Nam Định: Thu hút doanh nghiệp đầu tư ngao
Nam Định là 'thủ phủ' cung cấp giống ngao. Đặc biệt với 72km bờ biển, cùng hệ thống sông ngòi phong phú, rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế của địa phương.
Đây là lợi thế để nhiều doanh nghiệp Nam Định lấy nuôi trồng thủy sản làm mũi đột phá cho phát triển.
Chủ động công nghệ sản xuất giống ngao
Năm 1992, nghề nuôi ngao ở Nam Định bắt đầu hình thành tự phát bằng giống bản địa. Đến năm 2004 đã có bước phát triển mới khi du nhập và nuôi ngao trắng Mertrix lyrata. Nghề nuôi ngao thực sự phát triển mạnh từ năm 2010 và đến nay đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Bà Tống Thị Lương - Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Nam Định cho biết, Nam Định được thiên nhiên ưu đãi 72km bờ biển, cùng hệ thống sông ngòi phong phú với 3 cửa sông lớn: Ninh Cơ, sông Hồng và sông Đáy, nhờ vậy hàng năm có lượng phù sa bồi đắp khá lớn. Điều này tạo nên nhiều bãi bồi có diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng”.
Nam Định là 'thủ phủ' cung cấp giống ngao
Cũng theo bà Lương, lợi thế tiếp theo là hệ thống cung ứng giống thuỷ sản nói chung, giống ngao nói riêng tại tỉnh Nam Định trong những năm qua có sự phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có gần 90 cơ sở sản xuất giống, người dân đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất và nuôi dưỡng giống ngao.
“Nam Định đang là "thủ phủ" cung cấp giống ngao, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, mà còn cung cấp được cho các tỉnh lân cận”, bà Lương khẳng định.
Theo lãnh đạo huyện Giao Thủy: Với hơn 1.500 ha bãi triều thuộc hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, sản lượng ngao thương phẩm trung bình mỗi năm toàn tỉnh đạt 17.000 tấn. Riêng huyện Giao Thủy, nơi có diện tích nuôi trên 1.400 ha, sản lượng ngao 12.000 tấn/năm. Nuôi ngao mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, góp phần tích cực bảo vệ và phát triển các vùng sinh thái tự nhiên. Vì những lợi ích to lớn như vậy nên hoạt động này cũng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế.
Tháng 1/1989, Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR; được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng năm 2004.
Vùng đệm của Vườn có diện tích 7.200 ha, trên địa bàn 5 xã (Giao Thiện, Giao An, Giao Hải, Giao Lạc, Giao Xuân); có tiềm năng phát triển kinh tế với nhiều loại hình, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, trong đó có ngao.
Tiềm năng phát triển ngao tại Nam Định đã thu hút được sự quan tâm của không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước (Ảnh: Báo Nam Định)
Vươn ra thế giới...
Tiềm năng phát triển ngao tại Nam Định đã thu hút được sự quan tâm của không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến Tập đoàn Lenger Seafoods, Hà Lan - một trong những tập đoàn thủy sản có uy tín ở châu Âu, với kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt và chế biến các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ hơn 90 năm, đã quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến ngao với các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại tại TP. Nam Định và được UBND tỉnh Nam Định cấp Giấy phép đầu tư số 13/GP-NĐ ngày 12/7/2006, hướng tới hình thành nên một ngành công nghiệp thủy sản mới sau tôm và cá tra: Nuôi trồng, chế biến và kinh doanh thương mại các sản phẩm ngao.
Đồng thời, Lenger Việt Nam còn chủ động xây dựng những chuỗi liên kết với các nhà cung cấp, những người nuôi ngao nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu tốt cho nhà máy. Đặc biệt, trong năm 2019, Lenger Việt Nam đã xây dựng các chuỗi liên kết ASC với những người nuôi ngao trong tỉnh Nam Định.
Đầu năm 2020, “Vùng nuôi Liên kết Lenger Farm” quy mô 500 ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix lyrata, một chứng nhận quốc tế về nuôi trồng bền vững, an toàn thực phẩm và có trách nhiệm xã hội.
Việc đạt Chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao Nam Định khẳng định, trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của các nước trên thế giới. Đây là tiền đề quan trọng và là cơ hội “vàng” để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng lên một tầm cao mới.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết: “Lenger Việt Nam hiện xuất khẩu ngao nhiều nhất sang thị trường châu Âu, chiếm hơn 90%, với các sản phẩm chính là ngao nguyên con đông lạnh, hút chân không và thịt ngao đóng hộp. Hằng năm, Lenger Việt Nam cung cấp ra thị trường hơn 8.000 tấn ngao đông lạnh, doanh thu đạt khoảng 15 triệu USD/năm. Dự kiến, năm 2024, sản lượng xuất khẩu sẽ đạt mốc 10.000 tấn/năm”.
“Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, sản phẩm ngao của Lenger Việt Nam cũng đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch và một số chuỗi nhà hàng. Năm 2022, Lenger Việt Nam đã bán được 1.500 tấn với doanh thu khoảng 48 tỷ đồng”, ông Nguyên chia sẻ thêm.
Theo lãnh đạo huyện Giao Thủy: Năm 2005, huyện Giao Thủy ủy quyền và hỗ trợ pháp lý cho DNTN Cửu Dung xây dựng nhãn hiệu Ngao Giao Thủy. Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Cửu Dung sử dụng trong kinh doanh mặt hàng ngao nuôi tại huyện Giao Thủy. Cũng trong năm 2008, con ngao nuôi ở Giao Thủy đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hoá “Ngao Giao Thủy” và tháng 6/2010, Ngao Giao Thủy lại được tặng Huy chương Vàng cùng danh hiệu “Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng".
Ông Nguyễn Văn Cửu - Đại diện DNTN Cửu Dung, cho biết: Để có con giống chất lượng nhất, tránh phụ thuộc nguồn giống tự nhiên, Doanh nghiệp đã nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống ngao, đưa giống ngao từ Bến Tre về Nam Định ương dưỡng. Cửu Dung là đơn vị đầu tiên thực hiện phương pháp nuôi lưu rất thành công và nhân rộng cho nhiều người nuôi trồng thủy sản tại Nam Định thực hiện.
Năm 1992, nghề nuôi ngao ở Nam Định bắt đầu hình thành tự phát bằng giống bản địa
Sau một thời gian tìm tòi, phát triển, đến năm 2011, Doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất ngao giống, xây dựng được cơ sở nuôi ngao chuyên nghiệp, khép kín chu trình sản xuất ngao “từ nguồn giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ”.
Trong quá trình chăm sóc ngao, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên cũng như nguồn dinh dưỡng, để ngao có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh. Giao Thủy có lợi thế nguồn nước sạch, thường xuyên được lưu thông và đó là điều kiện cung cấp thức ăn tự nhiên cho ngao, trong khi ở Thái Bình môi trường bị ô nhiễm nặng, thức ăn không có sẵn (chủ yếu là sinh vật phù du...); khi cho ăn với liều lượng quá nhiều, ngao không hấp thu hết, thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường nước, khiến ngao chậm lớn, còi cọc và có thể chết hàng loạt.
Được biết, ngao Giao Thủy (Nam Định) được EU công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, đạt chuẩn chất lượng xuất khẩu vào EU. Đây là vùng nuôi ngao duy nhất ở miền Bắc đạt tiêu chuẩn này.
Nam Định được ghi nhận là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc xây dựng thành công thương hiệu thủy sản. Đây cũng là vùng nuôi ngao duy nhất ở miền Bắc liên tục đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ năm 2004 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Lượng - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh tại DNTN Cửu Dung cho biết: Sản phẩm Ngao Giao Thủy đã có mặt tại hầu hết các siêu thị tại Hà Nội và nhiều cửa hàng thực phẩm sạch (với sản lượng tiêu thụ tới 10 tấn/ngày) cùng nhiều nhà hàng, khách sạn tại miền Bắc. Ngao Giao Thủy còn vươn tới những thị trường khó tính như EU.
Theo Diendandoanhnghiep