Doanh nghiệp bán hàng đa cấp và thực phẩm chức năng lo giảm lợi thế cạnh tranh

28/10/2023 22:51

Góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo Nghị định) do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/10/2023, các đại diện đến từ Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và các doanh nghiệp cho rằng việc phát sinh nhiều quy định cấm mới và bất khả thi sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp, thực phẩm chức năng với các doanh nghiệp khác cùng ngành hàng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu giới thiệu Dự thảo Nghị định tại Hội thảo, ông Hồ Tùng Bách đến từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương chỉ ra 2 điểm mới tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Dự thảo Nghị định. Một là khái niệm “người có ảnh hưởng” lần đầu đưa vào luật và hệ thống văn bản nói chung. Đây là vấn để nóng trong thời gian qua khi những người nổi tiếng quảng cáo nhiều sản phẩm khiến người tiêu dùng lầm lẫn về công dụng dẫn tới mua bán không phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là người có ảnh hưởng vẫn đang được ban soạn thảo nghiên cứu hoàn chỉnh.

Trước đó, Dự thảo có định nghĩa người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng, bao gồm: Người nổi tiếng; Chuyên gia, người có chuyên môn cao, có ảnh hưởng trong lĩnh vực cụ thể; Người có uy tín theo quy định của pháp luật; Người được xã hội chú ý, người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông đại chúng; Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi nhận được góp ý, Ban soạn thảo đang nghiên cứu phương án thay thế với việc xác định người có ảnh hưởng căn cứ vào bản chất đặc trưng của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người có ảnh hưởng đó là có thỏa thuận với doanh nghiệp cung cấp thông tin về hàng hóa cho người tiêu dùng. Quan điểm này nhận được đồng thuận của các doanh nghiệp và hiệp hội thay vì việc quy định theo hướng liệt kê trước đó.

Các hiệp hội và doanh nghiệp đồng quan điểm việc xây dựng Nghị định phải hài hóa quyền và lợi ích của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định cũng đưa vào một nội dung mới khác là bảo vệ quyền lợi tiêu dùng trong bán hàng đa cấp với việc bổ sung quy định chi tiết 2 nhóm nội dung là các hành vi bị cấm và trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp lo lắng khi một số quy định về bán hàng đa cấp trong Dự thảo sẽ phát sinh những điều cấm mới ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại của AMWAY Việt Nam chỉ ra Điều 25.1.a quy định tổ chức bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm thực hiện cung cấp thông tin về thực phẩm dưới mọi hình thức thông qua đơn vị, cơ sở y tế; Điều 25.2.a quy định cá nhân bán hàng đa cấp bị nghiêm cấm sử dụng dưới mọi hình thức người đã hoặc đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp thông tin về thực phẩm. Việc quy định này chỉ cấm với bán hàng đa cấp vì vậy tạo nên sự bất bình đẳng và kém lợi thế cạnh tranh của của doanh nghiệp bán hàng đa cấp với các doanh nghiệp khác.

Hơn thế, Điều 27.2 Nghị định 15/2018/NĐ-CP chỉ quy định “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”, song đến Dự thảo Nghị định dùng từ “cấm” là trái với Nghị định 15.

Hay Điều 25.1đ cấm khuyến khích cá nhân bán hàng đa cấp mua hàng hóa theo gói hoặc mua hàng hóa số lượng lớn vượt quá nhu cầu sử dụng hoặc vượt quá khả năng bán hàng được các doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Bởi hiện cùng về hỗ trợ tiêu hóa, hay vitamin sẽ có nhiều sản phẩm bổ trợ cùng nhau, và việc bán theo gói hay combo sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí trong sử dụng sản phẩm.

Một rào cản khác hạn chế hoạt động bán hàng đa cấp là Điều 25.1d quy định cấm “bán hàng cho cá nhân bán hàng đa cấp khi cá nhân bán hàng đa cấp chưa bán hoặc tiêu dùng hết 80% lượng hàng hóa của lần mua gần nhất”. Ông Sơn và nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó để xác định và kiểm soát được cá nhân bán hàng đa cấp chưa bán hoặc tiêu dùng hết 80% lượng hàng hóa của lần mua gần nhất. điều này cho thấy tính khả thi của quy định này trong thực tế rất yếu.

Đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhìn nhận Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như ông “trọng tài” xử lý mối quan hệ giữa nhà sản xuất kinh doanh và khách hàng là người tiêu dùng. Và với vai trò trọng tài thì nên công bằng không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn cả người sản xuất và kinh doanh, tạo điều kiện cho ho phục vụ tốt hơn người tiêu dùng thì đó cũng là bảo vệ người tiêu dùng. Từ quan điểm này, ông cho rằng với ngành hàng thực phẩm rất cần có sự hướng dẫn tư vấn chuyên môn của các các bác sĩ, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế để người tiêu dùng có lựa chọn tốt nhất. Vì vậy, ông cho rằng quy định tại điều 25.1.a là “hơi bó”. Quan trọng là chúng ta kiểm soát nội dung thông tin, người có ảnh hưởng, doanh nghiệp cung cấp thông tin sai trái thì phải xử lý người phát ngôn, doanh nghiệp đó.

Bà Tạ Dịu Thương, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam phân tích Điều 10.2 và Điều 45 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói rằng khi quảng cáo sản phẩm cấm cấm cung cấp thông tin gian dối gây nhầm lẫn nhưng đến Dự thảo là không được cung cấp thông tin dưới mọi hình thức thông qua cơ sở y tế người đã và đang làm khám chữa bệnh.

“Vì vậy, tôi mong muốn Nghị định đi theo hướng của Luật là cấm cung cấp thông tin gian dối gây nhầm lẫn. Với ngành hàng khác thì cấm, không làm bị phạt nhưng chúng tôi là rút giấy phép. Vì vậy, chúng tôi mong Ban soạn thảo giúp chúng tôi không bị rút giấy phép một cách oan uổng”, bà nói.

Đồng thuận với những quan điểm trên của các doanh nghiệp, bà Thương cho biết Nghị định 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó, nay lại dội thêm quy định cấm bán hàng cho cá nhân bán hàng đa cấp khi cá nhân bán hàng đa cấp chưa bán hoặc tiêu dùng hết 80% lượng hàng hóa của lần mua gần nhất.

“Những quy định này chúng tôi thấy không khả thi”, bà nói.

Bà cũng chỉ ra một quy định bất hợp lý khác tại Điều 26.2.b là cá nhân bán hàng đa cấp có trách nhiệm tham gia chương trình đào tạo cơ bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Bà phân tích người tiêu dùng vừa là người tiêu dùng vừa là người bán là bản chất của bán hàng đa cấp và điều này đã được quy định trong Nghị định 40. Vì vậy, việc quy định họ phải thông qua đào tạo là không hợp lý.

Bà Tạ Dịu Thương đề nghị Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và Ban soạn thảo dành cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp một hội thảo kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bán hàng đa cấp và vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Thoibaonganhang