Hải quan triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu những tháng cuối năm
Đà suy giảm kim ngạch thương mại đang dần dần được thu hẹp. Nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu chủ lực đã có đơn hàng trở lại. Đây là xu hướng tích cực cho những tháng cuối năm. Lực lượng hải quan đóng tại các địa phương cũng đang thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy thương mại.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cảng Cát Lở (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh Trà Ngân
Thương mại đang khởi sắc
Từ kết quả số liệu theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) 9 tháng qua của Tổng cục Hải quan cho thấy, hoạt động XNK đang từng bước phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc. Theo số liệu thống kê sơ bộ mới được Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch XNK cả nước trong tháng 9 năm 2023 đạt 59,16 tỷ USD. Trong tháng có 7 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,48 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,04 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,07 tỷ USD; dệt may đạt 2,57 tỷ USD giày dép đạt 1,34 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,21 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD.
Nhiều quy định tạo thuận lợi hơn nữa Ngành Hải quan đang chủ trì xây dựng 4 dự thảo nghị định và gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Đồng thời tập trung nguồn lực để triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hải quan theo hướng hải quan số, hải quan thông minh nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại - bà Bùi Minh Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý hàng hóa XNK, Cục Giám sát, quản lý về hải quan. |
Trong 7 nhóm hàng chủ lực có 2 nhóm kim ngạch tăng so với tháng trước là: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,7%. Trong khi phương tiện vận tải và phụ tùng duy trì mức kim ngạch như tháng trước.
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong tháng 9 ghi nhận con số 28,48 tỷ USD. 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong tháng 9. Lớn nhất vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 8,59 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng trước. Tiếp đến là, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,58 tỷ USD, giảm 4,1%; vải đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 1,5%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch XNK ước đạt 259 tỷ USD, tổng trị giá hàng hóa XNK của cả nước đạt trên 497 tỷ USD. Song, XNK vẫn đang duy trì xu thế quý sau tăng mạnh so với quý trước. Riêng xuất khẩu tháng 9 đạt tới 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ. 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực
Với xu hướng tích cực như trên, cục hải quan các tỉnh, thành phố đều đang căng sức triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ XNK.
Ghi nhận tại Cục Hải quan Lạng Sơn thời điểm hiện tại, 11 giờ trưa vẫn có hàng chục doanh nghiệp (DN) chờ mở tờ khai cho các xe hàng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ước tính, mỗi ngày cửa khẩu này ghi nhận trung bình vài trăm xe hàng được thông quan.
Theo chị Hoàng Thị Lê - Công ty TNHH XNK Blue Sky, mỗi ngày DN có trên 30 xe container 40 feet xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Số lượng sẽ dự kiến sẽ tăng đột biến trong quý IV/2023, vì giáp tết nhu cầu tiêu thụ bên nước bạn rất cao. Lượng xe xuất khẩu sẽ có thời điểm lên đến 60 - 70 xe xuất khẩu/ngày.
Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, tình hình XNK sẽ có đà thuận lợi trong quý IV, do phía Trung Quốc nới lỏng dần các các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch. Đơn vị sẽ tiếp tục cải cách hành chính để giảm thời gian thông quan hàng cho DN. Hiện trung bình mỗi xe hàng mất khoảng 15 - 20 phút để làm các thủ tục mở tờ khai, thông quan trong nước và mỗi ngày sẽ có trên 500 xe hàng hóa sẽ được thông quan tại 7 cửa khẩu của Lạng Sơn. Bên cạnh đó, đơn vị hải quan tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin với Hải quan Trung Quốc; phối hợp với các ngành các cấp để điều tiết phương tiện ra vào cửa khẩu; sắp xếp các dây chuyền nghiệp vụ của Hải quan Lạng Sơn một cách thuận lợi.
Tại Hải Phòng, 100% tờ khai hải quan hiện đang được thực hiện trên môi trường điện tử. Hầu hết các chứng từ, tài liệu thuộc bộ hồ sơ đã được điện tử hóa và gửi trên hệ thống thông quan khi thực hiện thủ tục hải quan. Ngoài việc sử dụng 21 hệ thống của ngành Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai có hiệu quả 10 hệ thống công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp… Điều này góp phần lớn để rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN, giúp kiểm soát hiệu quả công việc được giao.
Ghi nhận những khó khăn của DN, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho biết, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: gỗ, dệt may, da giày… đi các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc sụt giảm. Trước tình hình trên, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, bên cạnh việc triển khai các giải pháp Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Bình Dương đề ra, cục đã bám sát địa bàn, triển khai nhiều nhóm giải pháp, vừa tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư mới tại Việt Nam.
Ở cấp vĩ mô, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại với nhiều chỉ tiêu có tác động tích cực tới hoạt động XNK. Cụ thể như giảm 10% thời gian thông quan hàng hóa XNK; giảm 5% tờ khai luồng Đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa); giảm 10% tờ khai luồng Vàng (phải kiểm tra chứng từ giấy); giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, giám định…
Kỳ vọng các giải pháp tích cực này sẽ góp phần thúc đẩy thương mại trong những tháng cuối năm, góp phần đưa kinh tế cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng.
Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt gần 71 tỷ USD. Chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất ước đạt trên 79 tỷ USD. Các nền kinh tế phục hồi đã cho thấy hoạt động thương mại đang từng bước phục hồi và sẽ có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm. |
Theo Thoibaotaichinhvietnam