Bảo hiểm xã hội chuyển đổi số - người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

11/10/2023 16:04

Thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng, được Quốc hội, Chính phủ cũng như xã hội đánh giá cao.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (bên phải, hàng trước) tại BHXH TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: BHXH VN

Hầu hết các giao dịch trên môi trường số

Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, là cơ quan triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân, doanh nghiệp (DN) nên việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành.

Với quan điểm "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ", các kết quả, nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách. Công tác chuyển đổi số của ngành đã được thực hiện mạnh mẽ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ.

Các đơn vị trong toàn ngành đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ, tăng sự hài lòng, phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn.

Các lĩnh vực hoạt động của ngành BHXH đều được số hóa và ứng dụng CNTT với gần 30 hệ thống ứng dụng quản lý các quy trình nghiệp vụ. Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc. Đây là công cụ hiệu quả, góp phần giúp công tác KCB BHYT công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT.

Hàng năm, Hệ thống Thông tin giám định BHYT cùng Hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến. Thực tế cho thấy, việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH, mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã được ASSA trao tặng giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục công nghệ thông tin cho ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh.

Đáng chú ý, 100% thủ tục của ngành đã được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người dân, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số.

Do đó, không chỉ giúp người dân, DN có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ được nâng cao rõ rệt...

Đặc biệt, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Hiện đã có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB trên toàn quốc.

Ngoài việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB, người dân còn có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) để thay thế thẻ BHYT giấy. Việc làm này không chỉ góp phần giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT nên đã được đông đảo người dân và các cơ sở KCB ghi nhận, ủng hộ.

Tiếp tục tạo nhiều thuận lợi cho người dân

Bình luận về những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số, ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này được thể hiện rõ khi ngành BHXH Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đối số.

Đây là tiền đề quan trọng để toàn ngành tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới với quyết tâm kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số của ngành. Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm.

Trong đó, tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp DVC trực tuyến; phát triển ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...

Đồng thời, ngành BHXH tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN với mục tiêu luôn được xác định “chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để ngành phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách”./.

Theo Thoibaotaichinhvietnam