Văn hóa - Du lịch

Đẩy mạnh khai thác giá trị văn hoá của Hạ Long

Minh Hiếu 25/09/2024 14:19

Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là một địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới nhờ cảnh quan thiên nhiên ấn tượng. Việc khai thác giá trị văn hoá, truyền thống của Hạ Long không chỉ nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững mà còn để nâng cao đời sống cộng đồng và bảo tồn văn hóa địa phương.

anh-1_-vinh-ha-long-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-thien-nhien-the-gioi-noi-bat-voi-he-thong-dao-da-va-hang-dong-tuyet-dep.-anh_-internet-.png
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp. Ảnh: Internet

Văn hóa Hạ Long là một trong bốn nền văn hóa biển có vị trí quan trọng trong nền văn hóa tiền sử Việt Nam. Các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng động cư dân Hạ Long.

Cùng với đó, thành phố Hạ Long còn có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, ẩm thực đặc sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần định vị thêm cho Hạ Long nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch lễ hội, ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trải nghiệm…

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hạ Long có 96/683 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh. Trong đó hiện có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia, đặc biệt Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; 6 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đây là những điểm đến du lịch văn hóa độc đáo, mang đến cho du khách hành trình khám phá du lịch trọn vẹn tại thành phố bên bờ di sản.

anh-2_-sac-mau-cac-van-hoa-dan-toc-tai-quang-ninh-duoc-lan-toa-tai-carnaval-ha-long-anh_-la-nghia-hieu-.jpg
Sắc màu các văn hóa dân tộc tại Quảng Ninh được lan tỏa tại Carnaval Hạ Long. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu.

Thành phố có 11 lễ hội văn hóa truyền thống. Du lịch qua các lễ hội, sự kiện văn hóa cũng đang trở thành xu thế, là tiền đề để phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí tại các địa phương trong cả nước. Bên cạnh các lễ hội truyền thống, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua.

Đặc biệt, nhắc đến Hạ Long không thể không nhắc tới Vịnh Hạ Long. Không chỉ có giá trị về cảnh quan, địa chất địa mạo, Vịnh Hạ Long còn hấp dẫn du khách bởi những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử. Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn đặc biệt của Vịnh Hạ Long so với các điểm đến du lịch khác.

Vịnh Hạ Long với 1.969 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên những cảnh sắc kỳ thú. Sự hiện diện của Vịnh và những hòn đảo trên Vịnh là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst hệ Fengcong và Fengling.

anh-3_-du-khach-tham-quan-trai-nghiem-tai-le-hoi-khinh-khi-cau-thanh-pho-di-san-sac-mau-ha-long-.-anh_-minh-duc.jpg
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Lễ hội Khinh khí cầu “Thành phố Di sản - Sắc màu Hạ Long”. Ảnh: Minh Đức.

Theo nghiên cứu, Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm, đó là văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Ngay tại khu vực trung tâm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện khá nhiều dấu tích còn lại của những cư dân thời tiền sử Hạ Long tại động Mê Cung, hang Tiên Ông, hang Bồ Nâu, động Thiên Long..., cho thấy sự phát triển rực rỡ, liên tục của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển đảo, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh Việt cổ.

Khai thác đặc trưng, giá trị văn hóa này, thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trên Vịnh Hạ Long đã ra đời, mang đến cho du khách trong nước và quốc tế những trải nhiệm thú vị và được đánh giá cao trong những năm gần đây.

Đăc biệt, những năm gần đây, thành phố Hạ Long trở thành trung tâm văn hóa của tỉnh, thường xuyên diễn ra các hoạt động luyện tập, thi đấu, biểu diễn văn nghệ, thể thao, chiếu phim, triển lãm, tổ chức các sự kiện văn hóa của tỉnh, cả nước và quốc tế.

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long", ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định, ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thì các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả.

Theo Bí thư thành phố Hạ Long, công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích. Để khắc phục những tồn tại này, thành phố đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay.

Thành phố Hạ Long sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ tăng cường năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, thông tin, kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là trên vịnh Hạ Long, xâm phạm, hủy hoại cảnh quan, công trình di tích.

Tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hoá trong bài trí thờ tự các đền, chùa và tổ chức các lễ hội quy mô lớn, lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sưu tầm, ghi chép, phục dựng các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa có giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc các xã vùng cao khu vực phía Bắc của thành phố. Khai thác hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm, động lực kết nối lên địa bàn các xã vùng cao để phát triển du lịch, dịch vụ khu vực này.

Hạ Long sẽ hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với nguyên tắc sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa. Từ đó hướng tới việc xây dựng thành phố của di sản, kỳ quan và văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế.

Minh Hiếu