Logistics - Mảnh đất “màu mỡ” để startup
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (SYS) nhận định, với hơn 30.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động tại Việt Nam và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, hoàn toàn có thể nói logistics đang là mảnh đất màu mỡ và đầy tiềm năng cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 cũng đã xác định rõ nhiệm vụ: “Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ”.
Trong bối cảnh công nghệ lên ngôi, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, starup cần làm gì để tồn tại và phát triển? Cơ hội nào cho các startup trong lĩnh vực logistics đầy tiềm năng?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với doanh nhân Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (SYS) xung quanh vấn đề này.
Chuyển đổi số mang lai những cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức đối với startup. Với cương vị là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS), theo ông, starup cần làm gì để tồn tại, duy trì và phát triển trong thời đại công nghệ?
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Nói một cách chính xác thì CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại, là lựa chọn không thể khác, không thể mặc cả, dù đối với cá nhân, tổ chức, hay rộng hơn là đối với quốc gia, khu vực. CĐS là quá trình thay đổi một cách tổng thể và toàn diện cả về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của loài người dựa trên các công nghệ số.
Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định xu hướng CĐS là một thực tế của đời sống, là một tồn tại khách quan, bắt buộc startup phải thích nghi, hòa nhịp, cùng sống, cùng vận động với nó nếu không muốn bị đào thải. Chính vì vậy, xu hướng CĐS là một thách thức lớn không chỉ với startup mà ngay cả các doanh nghiệp lớn. Khi anh đứng ngoài, nghĩa là anh tách ra khỏi sự vận động của thời đại, anh sẽ tụt hậu, và sẽ biến mất.
Nhưng CĐS là cơ hội vì mọi thứ vẫn đang ở trạng thái tiếp diễn, dù biến chuyển rất nhanh nhưng vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên. Và vì chuyển biến rất nhanh nên luôn xuất hiện không gian mới để thay đổi, để thích ứng. Nó là một quá trình liên tục cải tiến, liên tục hoàn thiện, vì vậy doanh nghiệp khởi nghiệp với ít tiềm lực hơn, ít tài nguyên hơn vẫn có thể “chen chân” vào thị trường và khẳng định vị thế, thậm chí trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình nếu có thể bắt kịp “cơn đại song” CĐS.
Việc xem thời đại công nghệ là thời đại “cá lớn nuốt cá bé” không còn là tất yếu. CĐS tạo ra môi trường cá nhỏ có thể “rỉa” cá lớn, thuyền nhỏ có thể ra khơi. Vậy nên, hơn bao giờ hết, đây cũng là thời đại của startup, thời đại của khởi nghiệp, nhưng phải gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chủ động thích ứng với môi trường kinh doanh trên Internet.
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (SYS) cũng xác định giúp đỡ startup CĐS là một trong những trọng tâm công tác, đặc biệt là triển khai các chương trình đào tạo về CĐS cho thanh niên, cũng như hỗ trợ công cụ, ứng dụng CNTT cho startup. Kế hoạch 2024, SYS sẽ dành nguồn lực hỗ trợ để đào tạo cho 30.000 thanh niên về khởi nghiệp và CĐS, hỗ trợ miễn phí 20.000 tài khoản phần mềm quản lí cửa hàng, bán hàng online và chat đa kênh.
Việc thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát của nhiều nước trên thế giới, dự báo "mùa đông" gọi vốn còn kéo dài đối với các startup. Ông có thể đưa ra một số gợi ý giúp startup gọi vốn thành công?
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Gọi vốn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với startup. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, hoạt động gọi vốn chỉ là càng khó khăn hơn mà thôi. Nhưng theo một góc độ tích cực, đây cũng là thời điểm biến nguy thành cơ của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Với một nền kinh tế chung đang biến động mạnh, startup buộc phải tối ưu trong quản trị, phải thực tế hơn, phải năng động hơn trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Điều này làm tăng cơ hội thành công cho startup, và vì vậy, tất nhiên cũng tăng cơ hội nhận được đầu tư.
Thực tế, hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khởi nghiệp vẫn không dừng lại, có chăng là các quỹ đầu tư ngày càng chặt chẽ và thận trọng hơn. Bên cạnh ý tưởng, mô hình kinh doanh, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người, đến đội ngũ sáng lập và điều hành của doanh nghiệp, đến tính hiệu quả của bộ máy.
Startup cũng có thể thông qua Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam để được kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay chúng tôi cũng đang liên tục tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho startup, trong đó có cả năng lực gọi vốn.
Thưa ông, logistics hiện là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng, cơ hội lớn cho các startup. Là Giám đốc SYS, xin ông cho biết, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này cần những điều kiện gì? Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể nào đối với các startup, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ logistics?
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi: Việt Nam đứng thứ 11 trong số 50 thị trường logistics mới nổi, theo bảng xếp hạng toàn cầu Agility 2022, và hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải Hoa Kỳ (FMC) cấp phép. Logistics cũng là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thúc đẩy CĐS theo “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có thể thấy logistics đang là một ngành nghề hấp dẫn và nhiều tiềm năng, nhất là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu theo trật tự cũ và đang dần hình thành trật tự mới, cũng như sự bùng nổ của kinh tế số và hoạt động thương mại điện tử.
Thực tế, ngành logistics đang ngày càng trở nên quan trọng. Được coi là mạch máu của nền kinh tế, nên việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và khả năng đáp ứng hỗ trợ các ngành nghề khác có vai trò thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện đơn vị này đang dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045”, trong đó đặt ra rất nhiều vấn đề, từ hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp cho đến việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics.
Với hơn 30.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động tại Việt Nam và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, hoàn toàn có thể nói logistics đang là mảnh đất màu mỡ và đầy tiềm năng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, logistics có rất nhiều công đoạn, để tăng cơ hội thành công, startup cần xác định rõ doanh nghiệp mình sẽ tham gia vào công đoạn nào trong chuỗi cung ứng. Việc xác định mục tiêu này rất quan trọng, nó dựa vào khả năng đánh giá, tìm hiểu nhu cầu thị trường, việc xác định và chuẩn bị nguồn lực cần thiết.
Bên cạnh đó, startup cũng cần nhận thức một cách thực tế về thách thức và khó khăn của ngành logistics, như nguồn nhân lực, vốn, các điều kiện kinh doanh khắt khe theo quy định của pháp luật. Và tất nhiên, khi một ngành nghề được cả xã hội đánh giá là tiềm năng, thì startup đương nhiên phải đối mặt với sức ép cạnh tranh, phải liên tục cải tiến, làm mới mình, ngày càng hoàn thiện mới không bị thị trường đào thải. CĐS chính là con đường tất yếu để giải quyết những khó khăn thách thức này, giúp startup biến nguy thành cơ, để cất cánh cùng quá trình phát triển của xã hội.
Xin cảm ơn ông!