Văn hóa doanh nghiệp tạo ra sức mạnh thương hiệu
Văn hóa doanh nghiệp chính là “chìa khóa” tạo ra cảm xúc thương hiệu; đồng thời tăng năng suất lao động, duy trì tính cạnh tranh, thúc đẩy tinh thần đoàn kết nội bộ, khích lệ sự trung thành với tổ chức…
Định hình cá tính doanh nghiệp
Hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp (VHDN) càng được thể hiện sâu sắc và toàn diện. VHDN là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của tổ chức; và trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động. VHDN góp phần chi phối tình cảm, suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên, tạo nên sự khác biệt giữa các tổ chức với nhau.
Hơn nữa, VHDN cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của tổ chức, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới các mục tiêu chung và hành động chung. VHDN vì thế đã trở thành động lực quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững tổ chức…
Theo doanh nhân Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Giám đốc Công ty Thiên Hồng Phát, vai trò của VHDN là yếu tố cốt lõi định hình cách thức tổ chức ứng xử với khách hàng, với đối tác, với cộng đồng. Đặc biệt là trong khủng hoảng, VHDN mạnh sẽ giúp cho tổ chức duy trì sự ổn định; củng cố niềm tin; thúc đẩy sự trung thành của nhân viên và tạo động lực cho các sáng kiến mới…
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Hiển nhấn mạnh thêm, trong nền kinh tế xanh - nơi mà sự chuyển đổi số, toàn cầu hóa và biến động kinh tế diễn ra mạnh mẽ thì VHDN đóng vai trò quyết định trong việc thích ứng, hội nhập. Đây còn là “bộ gen” nội bộ tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho tổ chức.
Ở Việt Nam, có thể kể đến một số thành công điển hình có VHDN phát triển lâu đời như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Cổ phần FPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… Với FPT, đây là Tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên tinh thần chia sẻ, học hỏi, sáng tạo và cải tiến không ngừng đã giúp FPT không chỉ duy trì vị thế trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế.
Còn Vinamilk đã xây dựng một nền tảng văn hóa dựa trên tính minh bạch, sự cam kết với chất lượng sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Điều này giúp Vinamilk không chỉ phát triển bền vững mà còn là tấm gương cho nhiều tổ chức trong việc phát triển VHDN gắn liền với sự phát triển bền vững…
Trên thế giới, Tập đoàn Google cũng là một điển hình về VHDN sáng tạo và linh hoạt. Google đã tạo ra môi trường làm việc khuyến khích sự đổi mới, trao quyền tự do và khuyến khích nhân viên nghĩ lớn. Kết quả là với “cá tính” đó, Google luôn đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ internet.
Tập đoàn Toyota cũng nổi danh toàn cầu với VHDN phát triển lâu đời, liên tục cải tiến, nhấn mạnh vào sự phát triển bền vững và hiệu quả sản xuất. Điều này đã giúp “ông lớn” của Nhật duy trì được vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô.
Nền tảng cạnh tranh bền vững
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietourist Holdings, Nguyễn Dương Trung Hiếu chia sẻ, mỗi tổ chức khi bước vào thương trường cần xác định cho bằng được giá trị cốt lõi, trong đó có VHDN. Chính VHDN mới là nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động của tổ chức. Vì thế, mỗi tổ chức xây dựng VHDN không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn phải gắn với trách nhiệm với người lao động, với xã hội cộng đồng.
Trong quá trình toàn cầu hóa, VHDN chính là nền tảng cạnh tranh bền vững. Thế nên, tổ chức cần phải chủ động đón nhận và thích nghi với các nét đẹp văn hóa quốc tế, đồng thời giữ vững bản sắc dân tộc…
Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu nói thêm, VHDN không thể tách rời phong cách của doanh nhân; bởi doanh nhân chính là đại diện hình ảnh của tổ chức. Một doanh nhân thành công cần phải làm gương, để tạo ra giá trị bản thân. Doanh nhân phải là người tiên phong thực hiện và lan tỏa các giá trị VHDN. Cách hành xử, quản lý và quyết định của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển.
Bên cạnh đó, phong cách lãnh đạo của doanh nhân khi gắn liền với trách nhiệm xã hội, phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường… cũng sẽ củng cố thêm sức mạnh cho VHDN. Như vậy, VHDN và phong cách doanh nhân là hai yếu tố tương hỗ giúp tổ chức phát triển bền vững, cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.
Một tổ chức có môi trường văn hóa làm việc lành mạnh thì nhân viên sẽ có cơ hội thể hiện năng lực, phát triển bản thân; phát huy được khả năng sáng tạo, nâng cao chất lượng hợp tác và làm việc nhóm. Mặt khác, nhân viên trong cùng một tổ chức có thể thấu hiểu, chia sẻ với nhau những vấn đề về công việc, cuộc sống; từ đó tạo nên sự đoàn kết tập thể.
Hầu hết các tổ chức hiện nay đều dùng VHDN để thu hút và giữ chân nhân nhân tài. Một trong những yếu tố quyết định sự gắn bó lâu dài của nhân sự giỏi là môi trường làm việc thoải mái, cầu thị, văn minh. VHDN còn được xem là cơ hội để tổ chức cập nhật thông tin, hoạt động, nhằm ghi dấu ấn về hình ảnh, thương hiệu của mình và khiến ứng viên chủ động ứng tuyển hoặc giới thiệu nhân tài là người thân, bạn bè cho công ty.
“Hiện nay, đối tác, khách hàng, người lao động có xu hướng sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội để chia sẻ về cảm xúc, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về những tổ chức họ đã hợp tác hoặc làm việc.
Các hội nhóm trên Zalo, Facebook, Twitter hay các diễn đàn đều xuất hiện hình ảnh tích cực về môi trường làm việc, về VHDN, về chế độ đãi ngộ; ngược lại sẽ là những cảm xúc và hình ảnh tiêu cực. Vì thế, tổ chức nào chú trọng vào việc phát triển VHDN sẽ có thể tạo ra được cảm xúc thương hiệu, tạo ra sự gắn kết giữa sản phẩm với khách hàng…”, ông Hiếu nhấn mạnh.