Quản trị

Xây dựng hệ sinh thái để gỡ nút thắt cho ngành da giày

Hương Lan 28/09/2024 16:14

Hệ sinh thái không chỉ giúp ngành da giày tập trung vào việc nâng cao năng lực xuất khẩu mà còn thúc đẩy ngành tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn mà còn đảm bảo tính bền vững về môi trường, đồng thời tiết kiệm nguồn nguyên liệu và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

toa-dam-da-giay.jpg
Tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày - Cần làm gì để thực sự hiệu quả". Ảnh HLan

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Đặc biệt, kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra một kỉ nguyên mới, đem lại những biến chuyển tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có ngành da giày.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh...

7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại.

Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày - Cần làm gì để thực sự hiệu quả", ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Kể từ khi các FTA có hiệu lực đã đem lại những biến chuyển tích cực cho ngành da giày. Tuy nhiên, so với một số ngành thì da giày có tỷ lệ tận dụng nguồn nguyên liệu tương đối tốt. Nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ về nguồn nguyên liệu, vẫn phải nhập khẩu khá nhiều.

2024_01_02_03_22_031_6803e.jpg
Việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là yếu tố tiên quyết, tạo đà cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường quốc tế. Ảnh minh họa

“Trong khi đó, các thị trường FTA đang đặt ra yêu cầu về nguồn nguyên liệu để đảm bảo được cung ứng đủ chất lượng, đủ quy tắc giáo xứ, đáp ứng được các tiêu chuẩn. Tôi nghĩ đó là “nút thắt” rất lớn với ngành da giày, đó là lý do tại sao vừa rồi Hiệp hội Da Giày Việt Nam đề xuất thành lập trung tâm giao dịch nguyên liệu cho cả ngành”, ông Khanh nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, để giải quyết những khó khăn của ngành dệt may nói riêng và doanh nghiệp nói chung cần một hệ sinh thái, kết hợp giữa cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp theo tư duy “đưa tất cả mọi người vào một chỗ”.

Ví dụ doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nhưng không biết mua từ đâu, hay muốn mua phải sang thị trường A, thị trường B để đàm phán và nhiều khi chưa biết giá cả hay chất lượng như thế nào… nhưng nếu trong hệ sinh thái có một công ty cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu thì họ rất yên tâm nhập. Giải quyết được nguồn nguyên liệu là giải quyết được “nút thắt” quan trọng.

Hay doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng thiếu vốn thì những tổ chức tín dụng trong hệ sinh thái sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Còn nếu doanh nghiệp muốn tìm hiểu thị trường xuất khẩu mới thì sẽ được cơ quan quản lý cập nhật đầy đủ ngay lập tức.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu Da – Giày, một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng hệ sinh thái FTA là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển đội ngũ lao động có tay nghề cao, từ khâu thiết kế, sản xuất đến quản lý chất lượng. Việc này giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hệ sinh thái FTA không chỉ tập trung vào việc nâng cao năng lực xuất khẩu mà còn thúc đẩy ngành da giày tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn. Việc này nhằm đảm bảo tính bền vững về môi trường, đồng thời tiết kiệm nguồn nguyên liệu và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Hương Lan