Những khuyến nghị đối với doanh nghiệp khi bị áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại
Nhằm hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Số vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng gia tăng
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước của mình, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa nhập khẩu vào nước mình, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Nhưng, kể từ đó đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 207 vụ việc.
Trong tổng số 257 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Năm 2020 là năm chúng tôi phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.
Là mặt hàng luôn bị đối diện với việc điều tra phòng vệ thương mại, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Kể từ vụ việc đầu tiên đến 8/2024, các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép là 78 vụ việc (chiếm khoảng hơn 30% số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Việc phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ điều tra phòng vệ thương mại, gây tốn kém công sức, tiền của của DN và nhà nước, do đó VSA đề nghị Bộ Công Thương, Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; Hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại nước có nhập khẩu thép Việt Nam tiếp tục cập nhật, cảnh báo, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; Hỗ trợ cung cấp danh mục các sản phẩm nước bạn cần, giới thiệu mạng lưới luật sư tư vấn, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng các nhà nhập khẩu,...
Tăng cường hỗ trợ tham vấn hoặc tham gia cùng các doanh nghiệp trong các phiên tham vấn công khai tại nước khởi kiện trong trường hợp mà đại diện ngành hàng, nhà sản xuất/xuất khẩu không thể bố trí tham gia.
Mặc dù, các vụ việc phòng vệ thương mại là một thách thức rất lớn và gây ra tốn kém cho ngành thép Việt Nam, nhưng cũng là một cơ hội để doanh nghiêp thép nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu rộng vào thị trường thép toàn cầu và nền kinh tế thế giới – Đại diện VSA cho hay.
Doanh nghiệp cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt top đầu. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Mỹ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong thời gian qua, Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng như các Hiệp hội như Hiệp hội thép, Hiệp hội mật ong, Hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm bày tỏ quan điểm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, các doanh nghiệp cần luôn có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. Khuyến nghị đầu tiên tại thị trường Mỹ là doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại).
Ngoài ra, khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tìm hiểu trước quy định pháp luật, thực tiễn điều tra của Mỹ thông qua các buổi hội thảo, đào tạo của Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để có thể hình dung là quy trình điều tra, thủ tục, yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.
“Các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu những mặt hàng Mỹ đã điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để xem xét, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại”- ông Đỗ Ngọc Hưng đưa ra lời khuyên.
Với mục tiêu phòng hơn chống, trong thời gian qua, Thương vụ Mỹ luôn chủ động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, thăm dò thông tin từ phía luật sư (các công ty Luật như Bakerhotetsler, Squire Patton n Bogs, Steptoe), chính quyền, hiệp hội Mỹ để có thể đánh giá, phân tích, đưa ra những cảnh báo với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan trong nước (Cục Phòng vệ thương mại), các Hiệp hội của Việt Nam để làm việc với phía Mỹ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nói chung và trợ cấp nói riêng và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp/hiệp hội trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải có cơ chế cảnh báo từ sớm, từ xa. Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là những tai mắt, ăng-ten của Việt Nam tại nước ngoài cần có những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị nước sở tại, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại tại nước sở tại để hiệp hội, ngành hàng trong nước nắm bắt thông tin và có sự chuẩn bị.
Các Hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị liên quan thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành, ủng hộ hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt là cần tính chủ động, tích cực từ tất cả các thành viên, nhất là đơn vị trong Bộ (Cục Phòng vệ thương mại) để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu để xuất khẩu là 1 trong những động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng đát nước trong thời gian tới.