Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu của Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ năm 2004, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kể từ năm 2016, Việt Nam chính là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Số liệu thống kê từ phía Trung Quốc cho thấy từ tháng 1-8/2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
Với nỗ lực chung của hai bên, các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài… đã có mặt trên thị trường 1,4 tỷ dân. Đồng thời, các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như cà phê, phở… cũng được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Chia sẻ tại Diễn đàn giao thương, kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam - Trung Quốc” mới đây, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định: Trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.
Bên cạnh những điểm mạnh, ông Nguyễn Quang Hiếu cũng thẳng thắn thừa nhận, chúng ta cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Về tiềm năng trong tương lai, ông Hiếu cho biết với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030.
Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như sự phát triển của các sản phẩm chế biến như sầu riêng đông lạnh và sấy. Dự báo đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ có thể đạt mốc 15 tỷ USD.
Để thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc nhanh hơn và mạnh hơn, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị, đối với các cơ quan quản lý chức năng Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục xem xét, thẩm tra mở rộng và/hoặc cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho 12 loại trái cây đang được nhập khẩu chính ngạch và thẩm định một số loại trái cây tiềm năng khác vào thị trường Trung Quốc.
Xem xét đơn giản hóa hoặc giảm bớt các thủ tục, tỷ lệ mẫu kiểm tra để hàng hóa có thể thông quan nhanh hơn, giúp hàng hóa nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.
Đối với các hiệp hội và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu của Trung Quốc, tăng cường giao lưu để trao đổi và học tập kinh nghiệm quản lý và điều hành hiệp hội, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tự thân, hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của ngành rau quả hai nước.