Lãnh đạo Bộ GTVT nói về phát triển đường sắt cao tốc Bắc -Nam
Chiều tối 1/10, tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã trao đổi thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tuyến đường sắt tốc độ cao thiết kế 350 km/h
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết: Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam là dự án đặc biệt, quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ. Với dự án này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quá trình nghiên cứu dự án được triển khai từ năm 2006 (trải qua 18 năm) với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn trong và ngoài nước.
Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới; tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển; tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, Hội đồng thẩm định Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự án.
Theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam sẽ có tốc độ thiết kế 350 km/h; Chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa.
Về tốc độ chạy tàu, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết: tốc độ 250km/h đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phổ biến trong giai đoạn khoảng 25 năm trở về trước, phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình. Tốc độ 350km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc-Nam của nước ta.
Theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến đường sắt tốc độ cao là trục chính, chiều dài lớn đều lựa chọn tốc độ 350km/h trở lên vì tính hiệu quả và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với các dải tốc độ thấp hơn.
Theo đó, Tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam bố trí 23 ga hành khách theo nguyên tắc phù hợp với hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao công cộng; đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện. Đến nay, vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.
Từ các cơ sở nêu trên, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta và xu hướng trên thế giới; phù hợp với chủ trương Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Chính phủ.
Không lo ngại rơi vào bẫy nợ khi đầu tư đường sắt tốc độ cao
Với nguồn vốn đầu tư trên lên đến 67,3 tỉ USD, nhiều ý kiến băn khoăn về việc huy động nguồn lực đầu tư cũng như nguy cơ về "bẫy nợ công" với nền kinh tế.
Ông Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án ĐSTĐC Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Về nguyên tắc đầu tư công có nhiều hình thức gồm cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay... Chúng ta làm ĐSTĐC trên tinh thần tự lực tự cường, Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc.
Theo đó, Chính phủ sẽ có phương án để huy động nguồn vốn trong nước và tùy theo khả năng cân đối, có thể phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay nước ngoài. Trường hợp vay nước ngoài phải đi kèm điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Trong phân kỳ đầu tư dự án, Bộ GTVT dự kiến sau khi được thông qua, phê duyệt, dự án sẽ khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035. Ông Huy cũng thừa nhận thực tế với các dự án hạ tầng, lâu nhất là công tác GPMB, nhiều dự án do GPMB 3 năm nhưng kéo dài lên 5 - 6 năm, chủ đầu tư thậm chí bị nhà thầu kiện. "Tuy nhiên, ĐSTĐC Bắc - Nam là dự án đặc biệt, sẽ được làm với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước", ông Huy nhấn mạnh.