Công nghệ

Meta sắp ra mắt phiên bản AI miễn phí tại Việt Nam

Tuyết Sen 02/10/2024 14:17

Tập đoàn công nghệ Meta ( Hoa Kỳ) sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quets 3S triển khai tại thị trường Việt Nam.

meta.jpg
Ảnh minh họa

Đó là thông tin ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu Meta, đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí về kế hoạch của tập đoàn đối với thị trường Việt Nam diễn ra vào ngày 1/10 vừa qua.

Những sáng kiến này là một phần của nỗ lực toàn diện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà phát triển Việt Nam khai thác các tiềm năng của AI, để sử dụng phát triển và đổi mới.

Trả lời báo chí trong sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam, ông Nick Clegg cho biết, Meta sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ AI của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương. AI dành cho doanh nghiệp trên Messenger đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ tháng 6/2024 và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay.

Ngoài ra, các thiết bị đeo của Meta đến nay đã được cải thiện. Thông qua thiết bị đeo này, người dùng có thể nhìn thấy thế giới thật trong thế giới ảo. Kế hoạch mở rộng dự kiến sẽ tạo ra tới 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Meta sẽ tích hợp trên các nền tảng, giúp người dùng trao đổi với trợ lý AI như với người dùng thực tế. Meta AI sẽ được triển khai trong tháng 10 này và Việt Nam hiện là quốc gia tiên phong đi đầu triển khai, trước cả khu vực châu Âu. Meta sẽ triển khai trợ lý AI bằng tiếng Việt, hoàn toàn miễn phí cho người dùng.

"Chúng tôi tự hào là công ty công nghệ lớn duy nhất tại Thung lũng Silicon cung cấp công cụ AI miễn phí cho người dùng Việt", ông Nick Clegg khẳng định.

Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 30/9, ông Nick Clegg đã trao đổi về tương lai của đổi mới sáng tạo, bao gồm các xu hướng AI mới nhất cũng như cách thức hợp tác giữa Meta và các đối tác Việt Nam nhằm tiếp tục xây dựng mối quan hệ tập trung vào đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy ứng dụng của AI và tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.

Tuyết Sen