Để doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản sớm phục hồi sản xuất
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt, sớm khoanh nợ, giãn nợ cho bà con để có họ có cơ hội phục hồi sản xuất.
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho ngành thủy sản
Chia sẻ tại tọa đàm "Khắc phục hậu quả bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?" , ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Sau khi cơn bão số 3 đi qua thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn. Ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng bị tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng.
Có thể nói, với ngành nuôi biển, Quảng Ninh và Hải Phòng là những địa phương đi đầu trong phát triển đề án nuôi biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Không chỉ về tài sản, bão số 3 tác động rất lớn về mặt tinh thần của những người dân nuôi biển.” – ông Luân cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Trong những ngày qua, chưa bao giờ người dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải chịu thiệt hại lớn như vậy. Tác động của thiên tai khiến thiệt hại về cơ hội kinh doanh là lớn nhất.
Hiệp hội xác định có 3 thiệt hại chính đó là thiệt hại về cơ sở vật chất, thiệt hại về hàng hóa và thiệt hại về cơ hội kinh doanh. Trong những ngày qua Hiệp hội cũng phát động chương trình hỗ trợ bằng vật chất; hỗ trợ cho các bà con, ngư dân sống gần biển và cả các bà con ở vùng núi.
Hỗ trợ càng nhanh càng tốt
Với những thiệt hại nặng nề, theo Cục trưởng Cục Thủy sản, hiện người nuôi trồng đều mong muốn nhanh chóng khôi phục lại sản xuất càng nhanh, càng tốt.
Vừa rồi, Bộ NN&PTNT cùng các doanh nghiệp, ngành hàng đồng hành cùng hỗ trợ bà con và đến thời điểm này đã huy động được khoảng 100 tỷ đồng. Tất cả đều mong muốn có thể giúp người dân thiệt hại 8-10 ô, lồng nuôi có thể khôi phục được 1, 2 ô, lồng để có thể sớm quay lại sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ đang có những hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn cùng các địa phương để đảm bảo các điều kiện quay lại phục hồi sản xuất, rà soát xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vùng nuôi. Bởi sắp tới, chúng ta có thể đối mặt với những cơn bão bất thường, diễn ra thường xuyên hơn; do đó làm sao để đảm bảo cho người nuôi sản xuất tốt hơn, an toàn hơn.
Hiện nay, bà con nuôi trồng thủy sản bị mất trắng đều mong muốn có nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Dù ngành ngân hàng đã có những giải pháp, nhưng với mỗi người nuôi có sản phẩm đặc thù khác nhau. Có những loài 5-7 tháng thu hoạch, nhưng có loại 3 năm mới thu hoạch.
Do đó, Cục trưởng Trần Đình Luân mong ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt, sớm khoanh nợ, giãn nợ cho bà con để có họ có cơ hội phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi như thế nào để đảm bảo chính sách có hiệu quả khẩn cấp.
Ngoài ra, về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, Cục trưởng Thủy sản cho biết, hiện nay ngành rất mong muốn triển khai sâu rộng vấn đề này. Hiện Nghị định 58 thí điểm chế độ bảo hiểm trên cá tra và tôm, nhưng đến thời điểm này việc triển khai chưa được nhiều.
Vì vây, trong thời gian tới Bộ đề xuất những chính sách cho ngành nghề rủi ro như nuôi biển, có thể hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho người nuôi trồng thủy sản, để người dân được tiếp cận thường xuyên, liên tục hơn. Hiện Bộ NN&PTNT đang soạn thảo để trình Chính phủ chính sách này.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi trồng thủy sản để hạn chế mức độ rủi ro ít nhất cho người dân.