Dự án

Quảng Nam: Chủ đầu tư BOT Điện Bàn đề xuất Nhà nước mua lại dự án

Hoài Văn 03/10/2024 10:08

Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 545 - chủ đầu tư trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 đoạn Km 947 - Km 987 tại Điện Bàn (Quảng Nam) đề xuất phương án di dời trạm thu phí hoặc nhà nước mua lại dự án.

Theo Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 545 (Công ty 545), đơn vị là chủ đầu tư thực hiện và khai thác Dự án thành phần 1: Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam theo hợp đồng BOT số 29/HĐ.BOT-BGTVT ngày 14/05/2014. Trạm thu phí đặt tại Km943+975, phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

tram-thu-phi-bot-dien-ban-quang-nam-906-ok.jpg
Trạm BOT Điện Bàn- Quảng Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2018 tới nay, tình hình thu phí thực tế qua trạm liên tục sụt giảm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; Dự án chưa được tăng phí dịch vụ do chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Còn một nguyên nhân khác gây ra việc tụt giảm nghiêm trọng nguồn thu, đó là các phương tiện tham gia giao thông thực tế qua trạm thu phí thấp hơn rất nhiều so với tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký.

Lãnh đạo Công ty 545 cho rằng, tình trạng sụt giảm nguồn thu còn tiếp tục kéo dài trong các năm về sau thì khả năng dự án sẽ không bao giờ hoàn vốn được.

Làm việc với các ngành chức năng, lãnh đạo Công ty 545, chủ đầu tư BOT Điện Bàn cho biết, mỗi tháng thu bình quân chỉ 6 tỉ đồng nhưng lãi phải trả cho ngân hàng tới 14 tỉ, doanh nghiệp không thể cầm cự nếu tình hình kéo dài.

Chủ đầu tư cũng đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị địa phương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép di dời Trạm thu phí BOT 545 đến vị trí khác thuận lợi hơn, hoặc mua lại toàn bộ dự án BOT, chấm dứt hợp đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, giải quyết đề nghị của chủ đầu tư trạm thu phí này.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền mua lại toàn bộ dự án BOT này. UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trường hợp nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn, trên cơ sở nguyên tắc “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, đề nghị nhà nước mua lại một phần dự án, hai là nhà nước hoàn trả chi phí bảo trì quốc lộ 1, đoạn km933-km947 từ ngày 2/8/2020 đến nay.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đánh giá kỹ việc di dời trạm thu phí đến vị trí thuận lợi, phù hợp, đảm bảo an sinh và đúng quy định.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, mới đây đã có chuyến thị sát trạm thu phí BOT này và làm việc với chủ đầu tư về một số vướng mắc của dự án .

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, căn cứ hợp đồng năm 2014 giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, cùng các văn bản liên quan thì việc đề nghị di dời trạm thu phí là chưa phù hợp với quy định hợp đồng dự án BOT và chỉ đạo của Bộ GTVT.

Đối với việc nhà đầu tư đề nghị nhà nước mua lại toàn bộ dự án, ông Thắng cho hay ngày 28/5, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét, chỉ đạo về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó, có các vướng mắc, khó khăn về sụt giảm doanh thu.

Hoài Văn