Bắc Giang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Một Sản phẩm Một Xã) làm 2 đợt để phù hợp với tính chất của các sản phẩm. Trong đợt 1, các địa phương đã tổ chức đánh giá, phân hạng được tổng số 79 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
Đến nay, đã có 7/10 huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 với tổng số 79 sản phẩm. Trong đó có các huyện như: Lục Ngạn, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Yên Thế và Hiệp Hòa đã ban hành Quyết định công nhận sản phẩm OCOP. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 334 sản phẩm OCOP, chiếm 2,4% số sản phẩm OCOP toàn quốc. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, còn lại 331 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Đáng chú ý, có 6 sản phẩm được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 70 điểm trở lên đến dưới 90 điểm (tương đương 4 sao), gồm: Mỳ gạo Lục Ngạn, mỳ gạo ngũ sắc (HTX dịch vụ nông nghiệp Hằng Hiếu, huyện Lục Ngạn); Chè xanh bản Ven (HTX Thân Trường, huyện Yên Thế);
Vú sữa Tân Yên (HTX Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức, huyện Tân Yên); Măng lục trúc tươi Lâm sinh Ngọc Châu (HTX Măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên); Gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn (HTX nông nghiệp Thái Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa).
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hầu hết các sản phẩm tham gia đánh giá là những sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của các địa phương, được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh.
Các sản phẩm đều đầu tư về truy xuất nguồn gốc điện tử, hồ sơ công bố chất lượng, hình thức mẫu mã, bao bì nhãn mác. Đặc biệt, các HTX tiêu biểu của địa phương đều có sản phẩm được đánh giá đạt 4 sao, thể hiện vai trò quan trọng của HTX trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang, mà còn khẳng định vị thế của tỉnh trong chương trình OCOP cấp quốc gia.