Kinh tế

Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sụt giảm do thiếu nguồn cung nguyên liệu

Hoài An 04/10/2024 14:46

Tình hình xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam liên tục sụt giảm từ tháng 5/2024 đến nay, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong sản xuất cá ngừ đóng hộp hiện nay là do thiếu nguồn cung nguyên liệu.

20220916171356338xuat-khau-ca-ngu-tiep-tuc-tang-cao-hon-muc-truoc-d-1598-1.jpg
Thị trường nhập khẩu cá ngừ đóng hộp lớn nhất là Mỹ và EU đang sụt giảm liên tục trong 4 tháng qua. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, sau khi tăng trưởng nhanh trong 4 tháng đầu năm, tình trạng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam lại liên tục sụt giảm từ tháng 5 đến nay.

Cụ thể chỉ tính riêng trong tháng 8/2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp giảm 13%, đạt gần 22 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nên tính lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 196 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, hiện nay các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã xuất được sang 74 nước trên thế giới. Trong đó, bao gồm Mỹ, Israel, Đức, Hà Lan và Libăng là 5 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, chiếm hơn 61% tổng giá trị xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang các thị trường này, trừ Hà Lan, đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hải quan cho thấy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ và EU lại đang sụt giảm liên tục trong 4 tháng qua.

Nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong sản xuất cá ngừ đóng hộp hiện nay là do thiếu nguyên liệu. Vasep cho biết “doanh nghiệp (DN) phải tận dụng nguồn nguyên liệu tồn kho để đáp ứng xuất khẩu và hiện tại nguồn nguyên liệu tồn kho đã hết.”

Do nguồn nguyên liệu thuần túy dự trữ đã cạn, các DN phải chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Và với nguồn nguyên liệu này thì các đơn hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải chịu thuế cao và khó lòng cạnh tranh được với các nước như Ecuador hay Philippines. Điều này sẽ dẫn đến việc các DN đứng trước nguy cơ bị mất thị trường.

Theo phản ánh của các DN, giai đoạn sụt giảm xuất khẩu cá ngừ đóng hộp cũng chính là giai đoạn Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực khiến các DN phải ngừng việc thu mua nguyên liệu cá vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt nửa mét trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.

Trên thực tế, để thực hiện quy định về kích thước tối thiểu khi đánh bắt cá ngừ vằn, các ngư dân sẽ phải đầu tư một khoản chi phí lớn để thay đổi ngư cụ mới có kích thước mắt lưới mới, phù hợp, cho đến việc ghi chép nhật ký, kiểm soát kích cỡ của loài mà ngư dân khai thác được. Tuy nhiên, kể cả có thay đổi kích thước mắt lưới thì việc sàng lọc cá cũng rất khó thực hiện được. Nguy cơ có thể một bộ phận ngư dân ở miền Trung sẽ dừng việc đi biển, đời sống người dân miền biển bị ảnh hưởng lớn.

Với các DN, họ đang đứng trên nguy cơ mất thị trường lớn như EU do không thể tích trữ cá ngừ vằn chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm để cung ứng cho thị trường châu Âu vào đầu năm 2025. Hiện tại, các doanh nghiệp đang phải sử dụng nốt nguồn nguyên liệu tồn kho từ trước và nguyên liệu nhập khẩu. Việc chuyển sang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến cho các sản phẩm giảm sức cạnh tranh do bị áp thuế cao.

Bên cạnh đó, tình hình khủng hoảng tại Biển Đỏ khiến chi phí vận tải đi châu Âu và Mỹ càng tăng mạnh. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí vận tải từ Việt Nam đến châu Âu đã tăng 3-5 lần, còn đến Mỹ cũng tăng từ 70-88%. Hơn nữa, thời gian vận chuyển kéo dài còn gây ra tình trạng thiếu hụt container rỗng, khiến việc lưu thông hàng hóa thêm khó khăn. Chính điều làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với những khó khăn, thách thức mà các DN phải đối mặt, Vasep tính đến khả năng xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng cuối năm sẽ khó phục hồi.

Hoài An