Quản trị

Cần giải pháp đột phá về thể chế, hạ tầng, quản trị để doanh nghiệp phát triển

Quốc Huy 05/10/2024 12:58

Tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể để cùng chung tay xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

đột phá về thể chế
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: NHẬT BẮC/VGP

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự

Tại buổi gặp mặt, các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN chia sẻ câu chuyện trong kinh doanh và vai trò xã hội của DN; đồng thời nêu ra những kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng để hỗ trợ tốt hơn cho các DN phát triển; xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế để phát triển doanh nghiệp nhà nước, trong đó hiện thực hóa việc phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện các nhiệm vụ; có cơ chế tạo nguồn lực cho doanh nghiệp; có định hướng phát triển cho các thành phần kinh tế phát triển các từng khu vực, lĩnh vực kinh tế...

Chia sẻ câu chuyện kinh doanh tại các thị trường quốc tế, với các điểm tựa Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng mong muốn Đảng, Nhà nước có chiến lược về đầu tư ra nước ngoài; xây dựng các "cánh chim đầu đàn" và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp vươn mình ra thế giới; tiếp tục thúc đẩy ngoại giao kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tự tin đầu tư ra thế giới.

Chia sẻ với ý kiến góp ý của các DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đầu tiên là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho DN, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Song song đó, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN và nền kinh tế.

Nhiệm vụ, giải pháp thứ ba là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các DN nói riêng. Đồng thời, hoàn thiện mô hình quản trị DN hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Bên cạnh đó cần xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

“Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho DN phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp, doanh nhân cần thực hiện 5 tiên phong

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các DN, doanh nhân thực hiện năm tiên phong.

dai-dien-doanh-nghiep-17280072622611834905925.jpg
Các doanh nhân tham dự buổi gặp mặt với Thủ tướng.

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực). Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế đêm…

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cũng đề nghị DN, doanh nhân tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

Mặt khác, cần tiên phong xây dựng quản trị DN hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Cuối cùng là tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

“Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.


Quốc Huy