Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đưa hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế; Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức; Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng… là những yêu cầu mà Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 đề ra.
Nghị quyết 1035 yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác ngoại giao, nhất là Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng.
Phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận; đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Nhiệm vụ tiếp theo là tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch. Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch.
Về lĩnh vực tài chính, Nghị quyết nêu rõ, cần phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Nghị quyết cũng yêu cầu, hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm khả năng kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương. Chủ động dự báo, có phương án bảo đảm cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải...không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đồng thời, cần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá.