Vấn đề quan tâm

Sẽ trình Quốc hội xem xét tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng

PVA 10/10/2024 09:03

Chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương của thành phố Hải Phòng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Do đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... tại địa phương này.

Theo đó, Chính phủ đề xuất chính quyền địa phương ở quận, phường tại Thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở Thành phố Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Dự thảo quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố, quận, thành phố thuộc thành phố và phường để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của tổ chức và cá nhân.

Chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố và UBND, Chủ tịch UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự Thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị, bà Trà cho hay.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND Thành phố Hải Phòng, Chính phủ đề xuất Thường trực HĐND thành phố, gồm: Chủ tịch HĐND, 2 Phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, Phó chủ tịch HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Cơ cấu tổ chức của UBND quận, gồm Chủ tịch UBND quận, Phó chủ tịch UBND quận, Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, các cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm Chủ tịch UBND phường, Phó chủ tịch UBND phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, Trưởng Công an phường, công chức khác làm việc tại UBND phường.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng (dự kiến thành lập Thành phố Thủy Nguyên) và số lượng Phó chủ tịch UBND quận, thành phố thuộc thành phố và phường dự kiến tăng thêm 1 Phó chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc Thành phố Hải Phòng; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh Trưởng ban, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc Thành phố Hải Phòng (có 2 Phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách).

Số lượng Phó chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố không quá 4 người; UBND quận không quá 3 người và UBND phường không quá 2 người.

Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng như dự thảo Nghị quyết. Mô hình được đề xuất tương tự với mô hình đang được thực hiện tại Đà Nẵng và TP.HCM và phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của Thành phố Hải Phòng.

Việc quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng để thực hiện ngay mà không cần thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, ông Tùng nêu rõ.

Hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng như Chính phủ đề xuất, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

PVA