Điện mặt trời tại Việt Nam: Bước tiến năng lượng xanh và thách thức phía trước (kì I)
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng năng lượng xanh với sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời.
Từ một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt điện và thủy điện, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những thị trường điện mặt trời sôi động nhất Đông Nam Á.
Bước nhảy vọt ấn tượng
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, chiếm gần 25% tổng công suất nguồn điện toàn quốc. Trong khu vực, Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu các quốc gia ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời, thậm chí gần gấp đôi tổng công suất của các quốc gia trong khu vực ASEAN cộng lại. Sự tăng trưởng này là một kỳ tích, từ gần như không có gì vào năm 2017 đến vị trí dẫn đầu khu vực chỉ sau 6 năm.
Theo bà Elva Wang - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar, sự phát triển của điện mặt trời tại Việt Nam trong những năm gần đây một phần đến từ quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ, thúc đẩy yêu cầu sử dụng năng lượng tại Việt Nam. Trong khi thủy điện và các nguồn điện năng lượng hóa thạch gần như đã hết tiềm năng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng thì năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời là phương án khả thi nhất hiện nay. Các nghiên cứu cho thấy, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên quan trọng tại Việt Nam, với tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta đạt khoảng 5kWh/m2/ngày tại các tỉnh miền Trung và miền Nam và khoảng 4kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc.
Động lực từ chính sách
Sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời tại Việt Nam không thể tách rời khỏi các chính sách phát triển năng lượng và cam kết hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2001, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng xác định: “Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo như điện mặt trời, thủy điện,... đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt đối với hải đảo, vùng sâu, vùng xa.”
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đề cập: “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời thay cho phát điện” và “Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước.”
Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi bổ sung trong các năm 2012, 2018, 2022 và 2023. Trong đó đề cập phải đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để phát triển và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện năng lượng mặt trời nói riêng. Việc đầu tư sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư.
Trong khi đó, Chính phủ với vai trò thực thi Hiến pháp và pháp luật, hoạch định và điều hành chính sách quốc gia đã ban hành nhiều chính sách vĩ mô, chính sách tài chính,... khuyến khích chuyển dịch năng lượng. Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo cú hích cho sự bùng nổ của điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam mở ra những ưu đãi đầu tư được Chính phủ cam kết dành cho doanh nghiệp.
Nổi bật là ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, cho phép các tổ chức, cá nhân được miễn thuế nhập khẩu với các hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ dự án mà trong nước chưa sản xuất được. Ngoài ra, các dự án được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đai, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút tốt hơn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện dự án điện mặt trời. Chính phủ còn ban hành công cụ hỗ trợ tài trợ giá thông qua việc mua lại điện trong vòng 20 năm dành cho các dự án điện mặt trời tiên phong. Mức ưu đãi cao nhất lên đến hơn 2.000 đồng/kWh điện mặt trời sản xuất ra.
Triển khai các quyết định của Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết về việc phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển các dự án điện mặt trời, đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT nhằm thúc đẩy đầu tư điện mặt trời, khuyến khích miễn thuế, trợ cấp cho việc sử dụng năng lượng mặt trời.
Ngày 5/7/2019, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 2023/QĐ-BCT, đưa ra các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam và khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Cơ chế trợ cấp cho phép mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ từ 3 - 10 triệu đồng khi lắp đặt hệ thống tại gia đình.