Đời sống - Xã hội

Dặm đường tri ân và những tấm chân tình về miền Tây Bắc

Trang Việt 11/10/2024 16:46

Trên những cung đường quanh co của núi rừng Tây Bắc, “Hành trình Công Lý và Trái Tim: Qua miền Tây Bắc 2024” do Báo Công lý tổ chức không chỉ là một chuyến thiện nguyện trao đi những món quà sẻ chia, mà còn là một cuộc hành hương về nguồn.

Là nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, kết nối với nhau đầy ý nghĩa, vì thế, khác với những chuyến thiện nguyện thông thường, hành trình lần này mang thông điệp sâu sắc: Lòng nhân ái không chỉ được thể hiện qua sự sẻ chia vật chất, mà còn kế thừa tinh thần tri ân đối với những hy sinh của thế hệ đi trước.

z5906390483627_b4a4f8fb0eea1e21874ebb30f90425f2(1).jpg
Đoàn công tác Báo Công lý chụp ảnh lưu niệm với TAND tỉnh Lai Châu trong Hành trình "Công lý và Trái tim" về miền Tây Bắc 2024.

Trời thu Tây Bắc

Mùa thu của phía Bắc lúc nào cũng mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng, đỏng đảnh đến dễ thương, khiến cho con người ta khó lòng mà ghét bỏ. Tuy nhiên, mùa thu năm nay nó lại khiến cho người dân phía Bắc phải chịu biết bao đau thương và mất mát, mỗi khi nhắc đến là con tim của mỗi con người lại cảm thấy nhói đau.

Để sưởi ấm lại những thương đau đó cùng với người dân cả nước đang hướng về miền Bắc, Báo Công lý chúng tôi cũng chuẩn bị hành trang, mang theo những món quà nhỏ và sự chân thành hướng về Tây Bắc xa xôi để thực hiện Hành trình “Công lý và Trái tim”: Qua miền Tây Bắc 2024.

chai1-7337-1471503642(1).jpg
Một hình ảnh về cảnh đẹp và con người Tây Bắc (ảnh mạng).

Nói về Tây Bắc, có lẽ ai cũng sẽ hình dung ra một viễn cảnh về những dãy núi cao ngút ngàn, vách đá dựng đứng và cánh rừng già hàng ngàn năm tuổi. Và cũng bởi chính cái vẻ đẹp ngút ngàn ấy, nên đường lên Tây Bắc còn khá xa xôi va hiểm trở, chính điều này đã khiến cho người dân còn rất nhiều khó khăn vất vả. Nhưng, cho dù đường có xa, núi có cao thì cũng không ngăn được những bước chân của chúng tôi đến với bà con nơi đây.

Tháng 10 đến, tiết trời Miền Bắc đang vào mùa cuối thu, thời điểm sáng sớm và tối thì tiết trời se se lạnh, khi mặt trời thức giấc thì những vệt nắng lại nhẹ nhàng xuyên qua từng kẽ lá khiến cho những cánh rừng Tây Bắc như được sưởi ấm để bắt đầu cho một ngày mới. Và cũng chính là thời khắc mà đoàn công tác của Báo Công lý lên đường để hướng về một hành trình đầy ắp những yêu thương, mang đến những nụ cười, niềm hạnh phúc cho người dân vùng cao.

8(1).jpg
Đoàn công tác Báo Công lý và TAND tỉnh Sơn La dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường tỉnh Sơn La.

Hành trình lên non

Xuất phát từ Hà Nội, ngược theo Quốc lộ 6 khoảng 3 giờ đồng hồ thì đoàn chúng tôi cũng đã đến được con đèo Đá Trắng với nhiều khúc cua tay áo, những vách đá dựng đứng và một bên là vực thẳm. Có lẽ, nói đến con đèo này thì cánh tài xế đường dài đều phải lắc đầu ngao ngán bởi sự nguy hiểm của nó, chỉ “sểnh tay” là không thể cứu vãn. Nhất là khi lên gần tới đỉnh, sương mù bắt đầu bủa vây khiến tầm nhìn bị hạn chế, nếu có thêm chút mưa phùn của khí hậu vùng cao thì lại càng nguy hiểm. Vậy nên không bác tài nào dám lơ là, mà phải tập trung hết sức để “phiêu” cùng những khúc cua.

Hơn cả nửa ngày trời rong ruổi trên những cung đường như vậy thì đoàn chúng tôi cũng đã đến được với mảnh đất Sơn La. Mở đầu cho hành trình ý nghĩa này.

Tại TP. Sơn La, kết hợp với TAND tỉnh Sơn La, chúng tôi đi thêm mấy chục cây số nữa mới đến được xã Hua Trai của huyện Mường La để trao những phần quà ấp áp, thân thương cho người dân và các cháu học sinh tại đây. Khi quay trở ra thì mặt trời đã tắt nắng, chỉ còn lại sự se lạnh dưới bóng tối của rừng già.

Ngày hôm sau, khi ông mặt trời còn chưa lên qua khỏi đỉnh non, đoàn công tác Báo Công lý cùng với lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Sơn La đã đến Đền thờ Bác Hồ và Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Nhà tù Sơn La để dâng hương và tưởng nhớ. Đây là những địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và sự hy sinh anh dũng.

sl2(1).jpg
Đoàn công tác Báo Công lý và TAND tỉnh Sơn La dâng hương tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Nhà tù Sơn La.

Trong không khí trang nghiêm, mỗi nén hương thắp lên là lời tri ân dành cho những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Những dấu ấn lịch sử tại đây nhắc nhở đoàn công tác về trách nhiệm tri ân quá khứ, kết nối lòng nhân ái với sự biết ơn sâu sắc với những bậc cha anh.

Tiếp tục in những dấu chân trên mảnh đất Tây Bắc núi non trùng điệp, đoàn công tác chúng tôi đành phải dời xa những nụ cười, sự mến mộ và niềm hạnh phúc của người dân để đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Chạm chân vào đất Điện Biên, trước mặt là dãy núi của con đèo Pha Đin hùng vĩ, đây là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của nước Việt Nam, độ cao lên tới 1.680m so với mực nước biển. Được biết, ngày trước đèo Pha Đin dài 32 km và có khoảng 130 khúc cua hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một xe ô-tô đi qua. Qua thời gian tu bổ và mở rộng và hạ độ dốc, này con đèo này được rút ngắn chỉ còn 26 km với khoảng 60 khúc cua, mặt đường rộng gần gấp 2 lần so với trước.

Khi chúng tôi lên tới đỉnh của Pha Đin thì trời đã bừng sáng, ánh mặt trời chiếu dọi xuống những thung lũng, tạo lên một vẻ đẹp bao là, trùng điệp. Đẹp là vậy, nên thơ là thế, nhưng nơi đây xưa kia đã từng phải gánh chịu biết nhọc nhằn, gian nan của những thê hệ đi trước. Bởi vì Pha Đin nằm trong tuyến huyết mạch tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men cho chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta.

Muốn chặn đứng tuyến huyết mạch này, suốt 48 ngày đêm ròng rã, thực dân Pháp đã cho máy bay oanh tạc, đèo Pha Đin là địa điểm hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn mà quân Pháp đã thả xuống đây trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Đèo Pha Đin đã in dấu chân của hơn 8.000 thanh niên xung phong, công dân hỏa tuyến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” với hàng trăm lượt gánh gồng, tải đạn, chở gạo qua đây mỗi ngày. Tới đây, tôi lại nhớ về một đoạn trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Nhà thơ Tố Hữu “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát”.

Vượt qua hàng trăm những khúc cua tay áo, dốc cao vực sâu để đến với tỉnh Điện Biên. Sau khi trao kinh phí xây dựng nhà cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Tuần Giáo và những phần quà cho các cháu học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pu Nhi, của huyện Điện Biên Đông thì chúng tôi cũng kịp về TP. Điện Biên Phủ khi trời chập choạng tối.

tely_287(1).jpg
Đoàn công tác Báo Công lý là cùng TAND tỉnh Điện Biên thắp hương tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ Điện Biên Phủ, nơi mà những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến lịch sử năm 1954. Đây không chỉ là địa danh lịch sử, mà còn là biểu tượng bất diệt cho lòng kiên cường và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Trời dần tối, những ánh nến được thắp lên dường như để chúng tôi nhìn rõ hơn làn khói nghi ngút tỏa khắp ngôi đền, những nén tâm nhang được chúng tôi dâng lên trong không khí đầy trang nghiên, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến máu xương cho độc lập tự do của đất nước.

Nơi dọc dài biên giới

Tiếp tục cuộc hành trình, tạm gửi lại lòng thành kính nơi mảnh đất Điện Biên anh hùng, đoàn công tác chúng tôi tiếp tục con đường dọc dài biên giới nơi cực Bắc của Tổ quốc để đến với Lai Châu.

Đến với thành phố trẻ này, dưới chân tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu, đoàn công tác Báo Công lý do đồng chí Trần Đức Vinh - Bí thư chi bộ, Tổng biên tập Báo Công lý cùng các cán bộ, phóng viên dâng lên Người những đóa hoa tươi thắm, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tiếp đến, đoàn đã làm lễ tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Lai Châu, đây là nơi an nghỉ của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Tại đây, vẫn còn có 47 ngôi mộ không được viết tên, bởi vì họ vẫn còn đang nằm ở đâu đó trong rừng sâu thăm thẳm, lạnh lẽo kia. Đó là những anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

lc2(1).jpg
Đoàn công tác Báo Công lý và TAND tỉnh Lai Châu viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Lai Châu.

Trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, đứng bên tượng đài Tổ quốc ghi công - Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Lai Châu, trước những hàng bia mộ và vong linh của các anh hùng đã hy sinh cho mảnh đất biên cương Tây Bắc, đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, để cho chúng ta được sống, học tập, lao động trong hòa bình như ngày hôm nay. Chúng tôi, những thế hệ đi sau xin được ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ. Chiến công của các anh là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ trẻ chúng tôi ghi nhớ và học tập.

Tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Lai Châu, những hàng bia mộ được xây thẳng tắp, tựa như hình ảnh của những đoàn quân ngày nào ra trận. Trong số 486 phần mộ các anh hùng nằm tại đây còn có 47 phần mộ mà lịch sử chưa một lần ghi khắc tên, trên những tấm bia này không có một tấm hình, một dòng địa chỉ hay sự ghi nhận một chiến công.

Thay mặt cho đoàn công tac, đồng chí Trần Đức Vinh, Tổng biên tập Báo Công lý, đã chia sẻ: “Việc tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và lãnh tụ vĩ đại không chỉ là hành động nhớ ơn, mà còn là lời nhắc nhở rằng những gì chúng ta có hôm nay được xây dựng từ sự hy sinh và cống hiến của bao thế hệ cha ông.”

Trong suốt cuộc hành trình, ở mỗi địa phương mà đoàn công tác đặt chân đến thì luôn dành thời gian đọng lại tại những địa danh thiêng liêng như: Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Tây Bắc, Nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Nhà tù Sơn La, và Nghĩa trang Liệt sĩ tại Lai Châu để thắp hương và tưởng nhớ. Với chúng tôi, những địa danh này không chỉ gợi nhắc về sự hy sinh cao cả của các anh hùng dân tộc, mà còn khắc sâu trong tâm trí mỗi thành viên về lòng biết ơn và trách nhiệm.

Trang Việt