Xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và vùng duyên hải Trung bộ
Theo báo cáo sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa TP. HCM với các tỉnh trong vùng duyên hải Trung bộ cho biết, các địa phương đã đưa ra hơn 700 dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế biển, thương mại, dịch vụ, logistics, xây dựng, hạ tầng, y tế, giáo dục và đào tạo.
Sáng nay (11/10), tại TP Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) giữa TP HCM với các tỉnh trong vùng duyên hải Trung bộ, gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi.
Theo báo cáo, trong năm qua, TP HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ đã thực hiện 10 nội dung hợp tác cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương xoay quanh các lĩnh vực, như: xúc tiến thương mại và đầu tư, du lịch, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo… Qua đó đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước.
Tại hội nghị, các địa phương đã công bố danh mục hơn 700 dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, TPHCM 84 dự án; Bình Định 322 dự án; Bình Thuận 119 dự án; Ninh Thuận 55 dự án; Phú Yên 70 dự án; Quảng Ngãi 34 dự án; Khánh Hòa 18 dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng; trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho 2 nhà đầu tư.
Hiện nay, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đã triển khai hợp tác phát triển KT-XH theo kế hoạch đề ra; xác định được nhiều nội dung hợp tác quan trọng, thiết thực, có sức lan tỏa để triển khai hợp tác trong thời gian tới, tạo dấu ấn cho nền kinh tế của từng địa phương.
Nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương được định hình, thống nhất phối hợp triển khai. Trong đó, đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP HCM; quảng bá đến người tiêu dùng thành phố quy mô hơn 10 triệu người; từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa…
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, vùng duyên hải Trung bộ (gồm Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển, thế mạnh quan trọng để phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước.
Trong đó, một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là TP HCM và các địa phương đều giáp biển, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp và trải nghiệm, khám phá của khách du lịch. Đồng thời, các địa phương trong vùng hiện còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, khẳng định trong quá trình phát triển KT-XH của mình, TP HCM luôn xác định muốn phát triển được thì phải gắn kết với các tỉnh. Vì thế, các chủ trương, chính sách của TP cũng luôn tăng cường mở rộng giao thương, vừa là hỗ trợ các tỉnh vừa kết nối cho sự phát triển của TP.
"Với vai trò, trách nhiệm đầu tàu kinh tế của mình, TP HCM cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, logistics để thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh duyên hải Trung bộ một cách nhanh chóng, hiệu quả", ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ, ông Hải đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng cường phối hợp với các sở ngành, đơn vị của TPHCM tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2025 với 11 sự kiện cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, như thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu; liên kết phát triển lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế và phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo.