Nguồn kiều hối chảy về TP.HCM đạt gần 5,5 tỷ USD trong 9 tháng
Trong 9 tháng đầu năm 2024, thống kê sơ bộ từ 14 công ty kiều hối trên địa bàn TP.HCM, lượng kiều hối bà con kiều bào chuyển về đã đạt khoảng trên 5,48 tỷ USD (tăng khoảng 10,45% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong những năm gần đây, dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng gia tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối so với GDP, góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân nhận kiều hối.
Trên thực tế, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này, theo NHNN, càng có ý nghĩa trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất, lạm phát.
Ngày 11/10, thông tin tại Hội nghị triển khai đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, thống kê sơ bộ từ 14 công ty kiều hối trên địa bàn, lượng kiều hối bà con kiều bào chuyển về TP. Hồ Chí Minh đã đạt khoảng trên 5,48 tỷ USD (tăng khoảng 10,45% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, ông Lệnh cho biết 14 công ty kiều hối chiếm khoảng 77,4% trong tổng nguồn kiều hối chuyển về. "Vì thế, nếu tính cả các kênh chuyển nhận kiều hối khác thì trong năm 2024 mục tiêu tăng trưởng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh trên 10% là có thể đạt được", ông Lệnh dự báo.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhấn mạnh kiều hối là nguồn lực quan trọng, có tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế nếu sử dụng hiệu quả. Do đó, TP.HCM đã xây dựng Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030", với kỳ vọng kiều hối sẽ trở thành "lực đẩy" đóng góp vào sự phát triển kinh tế TP.
TP.HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về thành phố gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, cần tiếp tục có chính sách về ngoại hối, thu hút kiều hối, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Bên cạnh đó, theo ông, nguồn lực này cần được sử dụng hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính như trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa. Đây là giải pháp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư...