Tiềm năng

Vươn lên mạnh mẽ thu hút đầu tư từ mảnh đất mang tên “vành đai trắng”

Minh Anh 13/10/2024 12:59

Mảnh đất từng có tên “vành đai trắng” chịu bao đau thương mất mát giờ đây đã vươn mình lớn dậy trở thành địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Vùng đất linh thiêng, đi lên từ “vành đai trắng”

Những Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, đường 9 Khe Sanh; những câu hát “Sông Ba Lòng bay bổng lời ca”, “Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy”, “Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt” khiến tâm trí mỗi người đều hiển hiện những ngày đau thương mà anh dũng của Quảng Trị năm xưa... Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn và các nghĩa trang liệt sỹ khác đều là những “địa chỉ đỏ” trong những trang lịch sử hào hùng của dân tộc.

Có mặt tại nơi đất thiêng, đoàn công tác Báo Công lý được ôn lại những thời khắc oanh liệt đó. Sau Hiệp định Genève năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ đã buộc cả dân tộc ta phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ thống nhất đất nước.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. Khu vực Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền nam.

3-10-.jpg
Cầu Hiền Lương (1956-1964) phía bờ Bắc với những khẩu hiệu thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc.

Trong những năm tháng ấy, quân đội Mỹ và chính quyền miền Nam cũ đã tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt với các chiến lược chiến tranh thâm độc cùng hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học muốn biến Quảng Trị thành vùng đất lửa, là nơi thử nghiệm vũ khí và các kiểu chiến tranh hiện đại.

Nhưng người dân Quảng Trị vẫn luôn quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”. Sông Bến Hải đêm đêm tấp nập những chuyến đò chuyển quân và vũ khí từ lũy thép Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền nam ruột thịt, để thực hiện lời thề với Bác Hồ “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”, cùng cả nước viết nên khúc ca khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Giờ đây trên dòng sông giới tuyến năm xưa đã có thêm nhiều cây cầu khác, dẫn đường cho những khát vọng hòa bình và phát triển. Và cỏ non thành cổ dường như xanh hơn mọi nơi nào trên đất Việt, nhắc mọi người không được phép quên những ngày máu đổ, trĩu nặng muôn vàn hy sinh.

Đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới, các dự án tiềm năng

Trải qua bao đau thương, mất mát, Quảng Trị - “vùng đất lửa” anh hùng vẫn vươn mình lớn dậy trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, cất lên tiếng hát của khát vọng hòa bình. Đồng thời cũng là địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cũng như đón đầu làn sóng đầu tư thế hệ mới. Đúng như dự kiến, nhiều nhà đầu tư và cả những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” đã về với vùng “đất lửa” để nghiên cứu, triển khai các dự án năng lượng, logistics, hạ tầng khu công nghiệp….

Không phải tự nhiên, Quảng Trị lại có thể nhanh chóng hoà nhập và phát triển đến thế. Nơi đây sở hữu vị trí địa kinh tế đặc biệt mà không phải địa phương nào trong nước, thậm chí trong khu vực, cũng có được. Là cửa ngõ, điểm kết nối với các quốc gia ASEAN và Tiểu vùng Mekong mở rộng, Quảng Trị có nhiều lợi thế và cơ hội để đẩy mạnh phát triển, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư. Bên cạnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế cửa khẩu La Lay và cảng biển Mỹ Thủy… sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng cũng mang lại nhiều lợi thế trong thu hút vốn.

quang-tri-1-.jpg
Một góc thành phố Đông Hà- Quảng Trị.

Nơi đây đang đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới rất tích cực, đặc biệt là các dự án giao thông, sân bay, cảng biển, năng lượng, công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có giá trị cao...

Theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị (Quảng Trị IPA) tính đến tháng 8/2023 trên địa bàn tỉnh hiện có 595 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư lên đến 241.479,68 tỷ đồng; bao gồm 576 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 121.733,37 tỷ đồng và 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD.

Trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị có 108 dự án trong nước đã đi vào hoạt động và 63 dự án trong nước đang triển khai; 7 dự án FDI đã đi vào hoạt động và 6 dự án FDI đang triển khai. Ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, có 221 dự án trong nước đã đi vào hoạt động và 184 dự án trong nước đang triển khai; 3 dự án FDI đã đi vào hoạt động và 3 dự án FDI đang triển khai.

Một trong những lợi thế nổi bật của vùng “đất lửa” được ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ là theo chủ trương của Chính phủ, Quảng Trị sẽ trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng khí tiềm năng từ mỏ Báo Vàng, mỏ Kèn Bầu.

Chủ trương của Quảng Trị là phát triển ngành công nghiệp với lợi thế và tiềm năng hiện có, biến những bất lợi thành lợi thế bứt phá, trong đó có mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.

Hiện Quảng Trị có khoảng 377 MW từ các dự án năng lượng tái tạo đã phát điện. Bên cạnh đó, có 29 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch và đang triển khai đầu tư (tổng công suất hơn 1.100 MW). Ngoài ra, có 52 dự án điện gió đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch (2.764 MW); 8 dự án điện gió đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch (1.670 MW).

quang0.jpg
Dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị (ảnh do Công ty cổ phần xây lắp điện I cung cấp).

Bên cạnh đó, Quảng Trị còn sở hữu tiềm năng phát triển du lịch. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, bên cạnh các sản phẩm du lịch đã định hình thương hiệu như du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, tour du lịch DMZ, du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây…, Quảng Trị còn nhiều “món ngon” để mời gọi du khách và các doanh nghiệp đến đầu tư như các bãi biển đẹp, hoang sơ Cửa Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy, đảo Cồn Cỏ cách đất liền 17 hải lý, được ví như hòn ngọc giữa biển Đông...

Minh Anh