Điểm mới chính sách về bất động sản giúp cải thiện và minh bạch thị trường
Nhiều điểm mới nổi bật và các vấn đề cần chú ý của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại các địa phương đã được được trao đổi và làm rõ tại Hội nghị đối thoại tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS diễn ra ngày 15/10
Trình bày tham luận tại hội thảo, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, định giá đất theo nguyên tắc thị trường là điểm mới quan trọng nhất của Luật Đất đai, tạo điều kiện để định giá đất sát với giá thị trường, tháo gỡ bất cập giá đất, làm cơ sở cho đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan…
Các quy định mới cũng mở rộng đối tượng sử dụng đất. Theo đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài chính thức là đối tượng sử dụng đất và được hưởng tương đối đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam, góp phần thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào cho phát triển BĐS và nền kinh tế. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được mở rộng; cho phép tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Chia sẻ về những điểm mới đáng chú ý của Luật Nhà ở (sửa đổi), chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đặc biệt lưu ý những thay đổi trong quy định về chiến lược, quy hoạch phát triển nhà ở.
Trong đó, luật đã bổ sung, làm rõ đối với công tác quy hoạch theo hướng yêu cầu phát triển nhà ở và không được phân lô, bán nền tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III. Tình trạng phân lô, bán nền tràn lan sẽ được kiểm soát, hạn chế.
Đồng thời, ở rộng đối tượng sở hữu, mua bán và thế chấp nhà ở của các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở quyền sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất và được quy định tại Luật Đất đai 2024: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là đối tượng sử dụng đất và được hưởng tương đối đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, không quy định thời hạn sở hữu chung cư, nhưng kế thừa quy định cũ về việc áp dụng thời hạn sử dụng chung cư (căn cứ theo chất lượng công trình và kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền).
Đối với Luật kinh doanh BĐS, theo TS Cấn Văn Lực Luật, cũng đã quy định chi tiết về việc quản lý thông tin, dữ liệu và quản lý, điều tiết của nhà nước về kinh doanh BĐS, hướng đến tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Điều này sẽ giúp góp phần giảm rủi ro khi đầu tư – kinh doanh BĐS.
Ngoài ra, Luật bổ sung, làm rõ khái niệm về kinh doanh BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS, chuyển nhượng dự án BĐS, hợp đồng kinh doanh BĐS, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS…
Luật cũng đã làm rõ các loại BĐS theo công năng và bổ sung “phần diện tích sàn xây dựng” vào các loại BĐS được đưa vào kinh doanh (gồm cả condotels, officetels...).
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, những điểm mới tích cực này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo, tăng nhất quán thực thi; từ đó giúp giảm thời gian, chi phí triển khai dự án của doanh nghiệp, tăng nguồn cung để người dân có nhiều lựa chọn với mức giá hợp lý hơn.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc đầu tư, kinh doanh, cho vay các sản phẩm như condotels, officetels... đã có trên thực tế.