Luật mới tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá tài sản
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới có nhiều quy định mới đáng chú ý.
Nhằm minh bạch trong đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản,...
Theo đó, Luật quy định về thời gian niêm yết việc đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường, việc người có tài sản đấu giá trực tiếp tham gia xét duyệt yêu cầu, điều kiện của người tham gia đấu giá, cách thức xác định tiền đặt trước đối với một số trường hợp cụ thể.
Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù này trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản công.
Luật bổ cũng sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến; trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay có 15 trang đấu giá trực tuyến của các tổ chức hành nghề đấu giá, tổ chức nhiều phiên đấu giá trực tuyến thành công.
Theo luật, Cổng thông tin đấu giá quốc gia có trang thông tin đấu giá trực tuyến để các tổ chức hành nghề đấu giá không đủ điều kiện, không đủ nguồn lực xây dựng trang thông tin đấu giá riêng của mình có thể sử dụng trang thông tin đấu giá của Cổng thông tin đấu giá quốc gia.
Đối với các tổ chức hành nghề đấu giá có đủ nguồn lực, đủ khả năng xây dựng trang thông tin đấu giá riêng của mình thì cần bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của trang thông tin đưa vào vận hành phục vụ cho hoạt động đấu giá trực tuyến, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu giá.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá như, quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức đấu giá; xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá.
Luật cũng bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá và quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cấm tham gia đấu giá nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Qua đó, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người trúng đấu giá, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng hoạt động đấu giá để trục lợi.
Trước đó, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến các quy định nhằm hạn chế những hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Các đại biểu cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.
Hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, khống chế giá; còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập…
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 là một bước hoàn thiện về thể chế nhằm bảo đảm cho hoạt động đấu giá phát triển ổn định, bền vững, phòng chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.