Văn hóa - Du lịch

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cao cấp

Thu Hằng 16/10/2024 11:00

Du lịch Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực và có những bước tiến cả về chất và lượng. Đặc biệt Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng được nhiều tỷ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn.

Định vị du lịch cao cấp

Theo thống kê hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm cho thấy chúng ta đã đón được 12,7 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ. Việt Nam đang tiến rất gần đến mục tiêu 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

Ngành du lịch hoàn toàn có thể tin tưởng việc sẽ phục hồi về lượng khách quốc tế so với năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Du lịch cũng đang có những chuyển biến tích cực và có những bước tiến cả về chất và lượng.

khach-an-do-2-1-01.jpg
Hạ Long (Quảng Ninh) là điểm đến hấp dẫn với khách quốc tế. Ảnh: Nguyễn Hùng

Định vị thương hiệu du lịch Việt đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm du lịch cao cấp, sang trọng (luxury tourism). Đây là loại hình du lịch có tốc độ phát triển nhanh trong ngành du lịch toàn cầu, đem lại doanh thu cao và hiệu quả.

Nhiều triệu phú, tỷ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn đến Việt Nam. Khách du lịch xa xỉ thường chú trọng an ninh, an toàn nên Việt Nam, với nền chính trị và xã hội ổn định, là điểm đến được ưu tiên.

Bằng chứng là đầu năm 2024, 3 cặp đôi thuộc giới siêu giàu của Ấn Độ chọn Đà Nẵng để tổ chức đám cưới, tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng. Gần đây nhất, cuối tháng 8/2024, tỷ phú ngành dược của Ấn Độ đã lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi dành trọn kỷ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình.

mdst0388-17096505045301391822233.jpeg
Đám cưới xa hoa của một cặp đôi Ấn Độ được tổ chức tại bãi biển Đà Nẵng.

Hay sắp tới vào tháng 1/2025, 200 tỷ phú châu Âu sẽ đi siêu du thuyền đến vịnh Hạ Long tham gia Lễ hội Nghệ thuật vì khí hậu.

Vai trò của doanh nghiệp và địa phương

Tại Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam", ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết để phát triển du lịch cao cấp thì vai trò của doanh nghiệp và địa phương là quan trọng trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch.

Song hành với việc có những sản phẩm độc đáo thì giá cả phải ở mức độ phù hợp để tạo thế cạnh tranh. Từ đó bảo đảm phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, đây là yếu tố quan trọng cần ưu tiên thực hiện để khẳng định vị trí của du lịch Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp, có chất lượng.

jw-marriott-phu-quoc-emerald-bay.jpg
Ảnh minh hoạ.

Một số địa phương, doanh nghiệp đã triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, hướng đến chinh phục khách du lịch hạng sang. Tiêu biểu như tour khám phá, chinh phục hang Sơn Đoòng (Quảng Bình); tour trực thăng bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long, TP.HCM từ trên cao; các dự án kết hợp giữa du lịch với âm nhạc, nghệ thuật...

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel, cho rằng, điều quyết định trải nghiệm có cao cấp hay không đó là cần để lại ấn tượng gì với khách.

Kể lại câu chuyện đơn vị lữ hành này đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 8, ông Kỳ cho biết vị tỷ phú đã đến trước 2 ngày và trải nghiệm ngồi thuyền thúng ở Hội An. Khi lên bờ, vị khách thấy hưng phấn và thốt lên "Excellent" (tạm dịch: Tuyệt vời).

Nhóm khách cao cấp như các tỉ phú, chính khách, người nổi tiếng, giới thượng lưu có tác động tích cực, rộng rãi ở phạm vi quốc tế đối với hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam, khẳng định Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu dịch vụ du lịch cao cấp khắt khe, trải nghiệm du lịch độc đáo cho giới tinh hoa.

Thu Hằng