Nhân vật

Hành trình từ người lính – đến Doanh nhân thời đại Hồ Chí Minh

An Vy 17/10/2024 06:19

Đó là chuyện đời, chuyện nghề của chàng trai rời quê hương đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc Đào Cảnh Tuất. Từ người lính tham gia chiến trường Campuchia cho đến doanh nhân cũng chỉ từ những trăn trở với đời, với nghề y cứu người.

bs-dao-canh-tuat(1).jpg
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất- CT HĐQT Công ty Cổ phần Vạn Phúc.

Hành trang rời quê hương lên đường sang chiến trường Campuchia, chàng trai năm ấy ngoài chút kiến thức y tế được đào tạo cấp tốc thì còn một ý chị và nghị lực kiên cường vốn có của người con xứ Nghệ. Vai trò là một chiến sĩ quân y cứu chữa cho thương binh, hơn ai hết Đào Cảnh Tuất nhận ra, làn ranh giữa sinh – tử nó mong manh đến nhường nào. Nhiều lần chàng trai trẻ chứng kiến nhiều sự mất mát hy sinh của đồng đội một phần do điều kiện thuốc men, trang thiết bị y tế thiếu thốn, một phần khi đó được đội ngũ y tế còn sơ sài.

Trở về từ chiến trường với một vết thương khá nặng và được đưa vào điều trị tại bệnh viện 175, được các bác sĩ giỏi tận tình cứu chữa, chàng trai trẻ xứ Nghệ đã nung nấu quyết tâm cao độ phải thi vào Trường Đai học Y khoa để trở thành bác sĩ với hy vọng sẽ giúp được nhiều người mạnh khỏe hơn. Chính trong thời gian dưỡng bệnh, ông dành hết tâm trí, thời gian, nén đau để tự ôn thi và đã thi đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM.

Ra trường, đi làm, kinh qua các Bệnh viện như 115, Chợ Rẫy, Bưu Điện rồi trở thành một trong những cán bộ nguồn, được đào tạo để lên làm quản lý nhưng ông vẫn thấy đó không phải là ước mơ, là tâm nguyện của đời mình. Bởi với ông, sống là phải biết nhân lên sự giúp đỡ người khác, chia sẻ khó khăn với mọi người. Đằng sau mỹ từ “cứu giúp” người nó phải thật sự là sự cứu giúp, phải mang lại giá trị gì đó cao hơn cho cộng đồng. Chính những điều đó luôn khiến ông ý thức, suy nghĩ phải tìm cách ra ngoài, phải xây dựng bệnh viện do chính mình làm chủ mới giúp được rất nhiều người tiếp cận với hệ thống khám chữa bệnh đơn giản, ít thủ tục và chất lượng cao.

BS. Đào Cảnh Tuất chia sẻ: “Nếu chỉ đi con đường bằng phẳng, an bài với sự sắp xếp thì quá dễ dàng, tôi muốn cống hiến, xả thân hơn nữa để giúp được nhiều người, đó mới là đích đến cuộc đời tôi”. Ông quyết định “ra riêng”, dấn thân vào lĩnh vực y tế tư nhân, dù biết phía trước không phải là “hoa hồng”. Với bản lĩnh và ý chí của một người lính, ông luôn tin tưởng rằng sự bứt phá của bản thân chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội,

Năm 1998, bác sĩ Đào Cảnh Tuất chọn Bình Dương là thị trường đầu tiên để xây dựng cơ nghiệp. Ông mở phòng khám tại huyện Dĩ An với tên gọi Phòng khám đa khoa An Bình cùng muôn vàn khó khăn: Không tài chính; không hành lang pháp lý; không có nguồn nhân lực. Nhưng rất may mắn khi ý tưởng, sự tâm huyết phát triển hệ thống y tế tư nhân của ông được các lãnh đạo tỉnh Bình Dương thời đó đồng cảm, hỗ trợ tích cực để cấp giấy phép hành nghề cho ông. Đây cũng là một trong những phòng khám khám tư nhân đầu tiên trên cả nước được cấp phép.

bv-van-phuc-1703167468.jpg
Bệnh viện Chất lượng cao Vạn Phúc City.

Những năm 2000, việc khám chữa bệnh BHYT chỉ có các đơn vị nhà nước mới được nhận. Ở các thành phố lớn mọi việc có thể thuận lợi hơn nhưng về các địa phương, nhất là một tỉnh như Bình Dương bệnh viện công ít, lực lượng công nhân lao động vừa đông, vừa phải làm việc theo ca kíp nên rất khó để họ có thể tiếp cận khám chữa bệnh theo BHYT. Do vậy họ không tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia bảo hiểm.

BS Đào Cảnh Tuất lại một lần nữa đi thuyết phục lãnh đạo Sở Y tế, BHXH và UBND tỉnh Bình Dương để xin được khám BHYT cho người dân, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong các khu công công nghiệp. Bình Dương luôn trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, thu hút nhiều lao động nhưng thực sự ngành y tế công lập vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, đó là sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Năm 2000, Bình Dương lại là tỉnh đầu tiên “vượt rào” cho y tế tư nhân được tham gia khám BHYT. Nắm bắt cơ hội này, bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã cho triển khai khám BHYT trong giờ cũng như ngoài giờ để phục vụ người lao động (Y tế công lập chỉ khám BHYT trong giờ hành chính). Với chính sách nhất quán của lãnh đạo tỉnh, không phân biệt công tư đã tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân phát triển, góp phần cùng với y tế công lập nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ông tâm sự: “Nhờ lãnh đạo Bình Dương thời bấy giờ năng động và chịu lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp cũng như có tinh thần cởi mở nên chúng tôi đã may mắn có được thành công”.

Rồi những nút thắt được tháo gỡ, thị trường khám chữa bệnh tại Bình Dương vô cùng lớn nhất là trong phân khúc trung bình được ông theo đuổi, liên tiếp các bệnh viện được ông xây dựng. Năm 2006 Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước tại Bến Cát được thành lập với 100 giường ban đầu giờ là 780 giường đã tạo được tầm ảnh hưởng rất lớn đến người dân tại khu vực này. Bởi họ không cần phải về TP.HCM chữa trị nữa mà vẫn có các BS giỏi tại các bệnh viện lớn như ĐH Y Dược, Chợ Rẫy về thăm khám, điều trị…

Năm 2011, ông thoái bớt vốn cho Becamex về TP.Thủ Dầu Một và huyện Thuận An đầu tư hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Vạn Phúc 1 (200 giường) và BV Vạn Phúc 2 (200 giường). Hành trình phát triển thương hiệu bền vững, chất lượng được ông bền bỉ xây dựng. Đến năm 2016 ông lại bán lại cho Tập đoàn Hoàn Mỹ.

Sau một thời gian dài lăn lộn, phát triển hàng loạt các bệnh viện tại Bình Dương ông chọn bến đỗ cuối là TP.HCM với phân khúc khám chữa bệnh cao cấp. Bệnh viện Vạn Phúc City được thiết kế giai đoạn 1 là 300 giường nằm tại khu đô thị Vạn Phúc, TP. Thủ Đức, vốn đầu tư hơn 2000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, đem lại lợi ích khám chữa bệnh cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân.

An Vy