Đời sống - Xã hội

Những phụ nữ chọn thiệt thòi để thành phố “nở hoa”

18/10/2024 18:47

Đường phố ban ngày ồn ào, sôi động và nhộn nhịp bao nhiêu thì khi đêm về, những con phố bỗng trở nên vắng lặng, nhường chỗ cho bóng dáng liêu xiêu của người lao công quét rác cùng tiếng chổi tre xao xác đang lặng lẽ làm sạch cho đời.

cover.jpg

Đường phố ban ngày ồn ào, sôi động và nhộn nhịp bao nhiêu thì khi đêm về, những con phố bỗng trở nên vắng lặng, nhường chỗ cho bóng dáng liêu xiêu của người lao công quét rác cùng tiếng chổi tre xao xác đang lặng lẽ làm sạch cho đời. Giữa sự xô bồ của cuộc sống đô hội phồn hoa, họ đã lặng lẽ nhận về mình sự thiệt thòi để giữ cho thành phố luôn “nở hoa”.

cover-2-.jpg

KHÔNG CẦN KHEN,
CHỈ CẦN THẤU HIỂU...

Nhịp sống ở Thủ đô hết sức nhộn nhịp và sầm uất với hàng trăm dự án về nhà ở, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, y tế cùng những hoạt động không ngừng nghỉ của con người từ sáng tinh mơ cho đến khi màn đêm buông xuống. Những dòng người vội vã trở về với gia đình sau một ngày làm việc nặng nhọc, sau những cuộc vui tưởng như không có điểm dừng. Rồi nằm dài trên giường đánh một giấc nồng, để lại sau lưng những đống rác thải bề bộn ở những nơi tập kết rác, trên vỉa hè hay đường phố.

Và đó cũng là lúc ở những ngõ ngách nhỏ, những con đường tối, chật hẹp, những người lao công lại đẩy những chiếc xe gom rác, tất tả đi làm.

Chị Nguyễn Thị Hảo – công nhân vệ sinh tại Tổ đội Công ty môi trường số 1 Hà Nội tâm sự: “Mình làm nghề đã hơn 12 năm, chuyện buồn vui nhiều lắm. Mỗi một ngày trôi qua đều là một sự cố gắng của bản thân. Vì nghề này rất vất vả. Sáng sớm, khi con trẻ chưa tỉnh đã phải dậy. Tối hết ca làm, trở về nhà, trời đã tối muộn. Ngày nghỉ cũng chỉ là khi chị, em trong tổ cắt cử nhau ở nhà cho đỡ mệt. Nhưng thương mình thì ít mà nghĩ đến các con là nhiều."

Qua các nhà gom rác đúng bữa cơm chiều thấy giọng trẻ con gọi mẹ:

- “Mẹ ơi, con đói!"

- "A, hôm nay được ăn gà rán!"

- "Hôm nay có canh cua!”

Không biết các con ở nhà đã cắm xong cơm chưa, mớ rau vặt vội lúc chiều, chúng có biết ngâm muối hay chỉ rửa vội qua nước...

Chị Nguyễn Thị Hảo

...

thì lại sinh cảm giác có chút tủi hờn, không biết các con ở nhà đã cắm xong cơm chưa, mớ rau vặt vội lúc chiều, chúng có biết ngâm muối hay chỉ rửa vội qua nước. Nhiều lúc nhìn gia đình người ta dắt díu nhau cùng đón giao thừa, xem pháo hoa, sum họp bên mâm cỗ cúng đầu năm mà thấy chạnh lòng.

Nhiều khi chị nghĩ, có thể nghề của mình vất vả nhưng làm đẹp cho ngõ, phố thì cũng chẳng có gì. Vì mỗi người một nghề, mình làm việc tay chân thì người khác làm việc bằng chất xám. Dù tự an ủi như vậy, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị nhiều người không hiểu và coi nhẹ…”. Nói đến đây, giọng chị như nghẹn lại và nụ cười cũng không còn tự nhiên nữa. Tôi bất giác nhớ đến cũng đã có lần mình từng bịt kín mũi khi đi ngang qua chiếc xe chuyên dụng thu gom rác, chỉ một vài giây đồng hồ thôi nhưng cũng đã tỏ vẻ khó chịu.

Có lẽ, cử chỉ vô tình của tôi cũng góp nhặt vào sự nghẹn ngào này. Câu xin lỗi có thể tôi không thốt ra được. Vì nói ra, có thể càng khiến chị cảm thấy mình bị thương hại. Dù chưa bao giờ có suy nghĩ so sánh, nhưng khi gặp và tâm sự với các chị, tôi mới thực sự hiểu nghề nào cũng là nghề miễn là lao động chân chính, làm ra đồng tiền lương thiện. Những người như chị Hảo rất cần mọi người nhìn nhận họ bằng ánh mắt tôn trọng, thấu hiểu và sẻ chia để cuộc sống này thêm tươi đẹp hơn.

3(3).jpg

CHỌN LẶNG LẼ
ĐỂ LÀM ĐẸP CHO ĐỜI

Dưới ánh sáng hiu hắt của chiếc đèn đường, thỉnh thoảng là đèn pha của những chiếc ô tô, xe máy chạy qua chiếu vào, cô Nguyễn Thị Đảng – Tổ trưởng Tổ 1 Công ty vệ sinh môi trường Hà Nội chia sẻ trong mồ hôi và xung quanh đầy là rác. “Cô làm nghề này 24 năm rồi. Từ khi còn trẻ đến nay cũng sắp về hưu. Chẳng cần nói chắc ai cũng biết nghề này rất vất vả. Xưa xung quanh làng Mễ Trì vẫn còn đường đất. Những ngày trời mưa, bùn ngập trên bàn chân, xe rác đã nặng lại càng khó để di chuyển. Nhưng ở thời điểm đó, cư dân ít và cũng nhiều người làm hơn bây giờ. Còn hiện tại, mỗi tổ dân phố có thêm hàng trăm hộ và số người cứ thế tăng gấp đôi, gấp ba. Các khu chung cư, các dãy hàng quán mọc lên như nấm sau mưa khiến lượng rác thải ngày càng nhiều. Trước kia, mỗi ngày chỉ cần đi một gom rác một lượt là sạch phố. Còn giờ, mỗi ngày phải 2, 3 ca thì mới tạm sạch.

Công việc ngày càng nhiều trong khi người ngày càng ít đi. Trước kia, một tổ đội có tới 20, 21 người nên việc luân chuyển ca cũng đỡ vất vả. Giờ nhiều người nghỉ hoặc chuyển việc khác nên còn lại 16 nhân sự. Phụ trách khoảng 2,33km diện tích và khoảng 13,344 người của xã Mễ Trì. Hầu như, chúng tôi làm cả ngày, cả đêm và cả tuần. Những ngày nghỉ là các anh, chị em trong tổ chia ca và làm cố. Khi được nhận thêm người thì cũng không có ai làm. Nên những người đã làm lâu năm thì cùng nhau cố gắng, ở lại để đỡ đần nhau trong công việc.

Làm nghề khác có thể xin nghỉ phép được chứ nghề lao công thì rất khó, bởi rác thải chỉ cần một ngày không dọn dẹp là ngập ngụa đường phố, muốn kiếm người thay cũng không dễ vì ai cũng có phần công việc của mình. Khi làm, phải canh thời gian quét cho kịp xe rác tới, mà rác thì lúc nhiều lúc ít không thể kiểm soát được.”

Nghe tâm sự của các chị, các cô mà tôi thấy khoé mắt mình cay cay. Từ sâu trong tâm trí là lời biết ơn và sự tôn trọng. Những đêm thức trắng trong tiếng chổi khuya của họ đã giúp cho cuộc sống của chúng ta thêm dễ dàng, không khí trong lành và những rác bẩn không thể làm phiền người trong thành phố. Thành phố cũng từ đó mà trở nên xinh đẹp, “nở hoa” nhờ những người hùng thầm lặng ấy.

Từ năm 1960 của thế kỷ trước, Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ trong bài thơ Tiếng chổi tre đi sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt: “Những đêm Đông. Khi cơn dông vừa tắt. Tôi đứng trông. Trên đường lặng ngắt. Chị lao công. Như sắt, như đồng. Chị lao công. Đêm Đông quét rác...” Đã hơn 60 năm, đến tận hôm nay, bài thơ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn và tính thời sự.

Và trên đường về, trong đầu tôi nảy ra mấy câu thơ đề tặng những nữ chiến binh thầm lặng ấy, đặc biệt khi ngày 20/10, Ngày Phụ nữ Việt Nam đang đến gần:

"Những người phụ nữ lặng lẽ chọn thiệt,
Cho phố phường ngày mai sẽ nở hoa.
Chổi quét đường qua từng ngõ vắng xa,
Giọt mồ hôi hoá thành hoa im lặng."

Thực hiện: Tuyết Nhung