Pháp luật đời sống

Đề xuất chế tài đối với người đứng đầu không tự giác thi hành án hành chính

Quốc Huy 19/10/2024 17:25

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề xuất có chế tài đối với người đứng đầu cơ quan hành chính không tự giác thi hành bản án hành chính.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh rằng tình trạng không phối hợp trong thi hành án hành chính là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

202410070848522763_dsc_0505.jpg
Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông đề xuất cần có chế tài đối với những người đứng đầu các cơ quan hành chính không thực hiện hoặc không cung cấp thông tin khi thi hành án, đặc biệt là trường hợp không tự giác thực hiện các bản án hành chính.

Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Huy Tiến cũng khẳng định, việc giải quyết các vụ án hành chính là một vấn đề rất phức tạp. Ông cho biết Viện KSND các cấp đã đưa ra 104 kiến nghị đối với UBND cấp tỉnh, trong đó có 27 kiến nghị từ Viện KSNDTC nhằm khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng UBND các cấp gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vụ án liên quan đến đất đai, đặc biệt là vấn đề đền bù và giải phóng mặt bằng.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng cho hay, một trong những thách thức lớn nhất trong việc giải quyết các vụ án hành chính là sự phối hợp của các cơ quan hành chính – bị đơn trong các vụ án. Ông nêu ví dụ về các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi mà nếu yêu cầu Chủ tịch UBND địa phương tham dự phiên tòa liên tục, sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý khác.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho biết từ 1/10/2023 đến 31/7/2024, các Tòa án đã thụ lý 12.464 vụ án hành chính, tăng 727 vụ so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ giải quyết đạt 52,98%. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện thi hành án hành chính, nhưng kết quả vẫn chỉ đạt 38,02%, với nhiều vụ án còn tồn đọng và số lượng chưa thi hành xong có xu hướng tăng dần qua các năm.

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra rằng mặc dù đã có nhiều kiến nghị về xử lý trách nhiệm đối với những người không chấp hành án, nhưng các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Các quy định trong Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với những cá nhân chậm trễ hoặc không chấp hành bản án, nhưng việc thực thi vẫn chưa đạt hiệu quả mong đợi.

Tình trạng không chấp hành các bản án hành chính không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân, mà còn làm suy giảm uy tín của các cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong xã hội và làm gia tăng khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong việc thi hành án hành chính, Ủy ban Tư pháp nêu.

Quốc Huy