Quản trị

Doanh nghiệp Việt "mở khoá" sức mạnh nhờ AI

Hương Lan 21/10/2024 20:32

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt có thể đạt được những bước nhảy vọt về năng suất lao động để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình.

dsc_5798-le-hong-viet-1135.jpg
ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud chia sẻ về AI tại hội thảo. Ảnh Phạm Thắng

Trong những năm qua, Cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là AI phát triển nhanh chưa từng thấy, tác động trực tiếp và sâu sắc cả tích cực và tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. AI đang giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam, tại hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới - Doanh nghiệp phải làm gì?" mới đây, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho hay, AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Dẫn chứng từ báo cáo IBM năm nay, AI giúp 35% doanh nghiệp tăng tối thiểu 5% doanh thu, có những đơn vị chạm mốc 20%. Doanh nghiệp Việt có thể thoát khỏi vùng an toàn, khai phá những lĩnh vực kinh doanh mới nhờ ứng dụng AI.

Theo đó, AI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn tốc độ ra quyết định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt có thể đạt được những bước nhảy vọt về năng suất lao động để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình. Các mô hình tính toán hiệu năng lớn trong phát triển thuật toán AI cần tới những siêu máy tính và hạ tầng dữ liệu tiên tiến.

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, dự báo năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến khoảng 74 tỷ USD. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có thể chiếm khoảng 17% cơ hội phát triển kinh tế mà các công nghệ số mang lại.

du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-can-nhieu-chinh-sach-uu-dai-1.jpg
AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Ảnh minh họa

Dù vậy, AI cũng mang đến một số thách thức cho nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp, như: Sự biến mất hoặc suy giảm mạnh của nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh; trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế rất nhiều lập trình viên, giáo viên, diễn viên, nhân viên marketing, kỹ sư, tổng đài viên…; sự cạnh tranh gay gắt theo mức độ ứng dụng AI trong sản phẩm, dịch vụ.

Không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia hay nền kinh tế cũng như cho mỗi doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu.

Vì vậy, ông Đỗ Tiến Thịnh lưu ý doanh nghiệp cần nắm được xu hướng mất đi/hình thành ngành, lĩnh vực mới do AI tác động; cần xác định những khâu, những quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành; Khả năng khởi nghiệp (startup) với AI; lan tỏa lợi ích AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp, người dân, khu vực công.

Đề xuất một số định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại của doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh vai trò của cơ quan Chính phủ đối với chuyển đổi số nói chung và trong thương mại nói riêng. Hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ khó có thể phát huy hiệu quả nếu không có sự đồng hành và chuyển đổi số mang tính tương thích, và tạo thuận lợi của các cơ quan chính phủ.

Bên cạnh đó, theo đại diện CIEM cần tăng cường chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến môi trường và/hoặc xã hội khi hoạt động trên nền tảng số, các kinh nghiệm, điển hình hay cần nhân rộng. Trong quá trình này, Việt Nam cũng có thể tận dụng các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức nước ngoài, các đối tác thương mại.

Hương Lan