Công nghệ giúp cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng phần mềm hay quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và thương mại hàng hóa. Các tiêu chuẩn quốc tế như: GS1, ISO 22005 đang trở thành thước đo chung để đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Tại Hội thảo "Mã số mã vạch thúc đẩy chuyển đổi số và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ", ông Phó Đức Sơn, Chủ tịch Hội mã số mã vạch Việt Nam cho biết, giải pháp truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR và hệ thống phần mềm được áp dụng xuyên suốt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiếp thị và phân phối, đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sản phẩm, hàng hóa khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Đây là yêu cầu cấp bách cho việc tự động hóa toàn bộ quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trong chuỗi chế biến, phân phối và minh bạch thông tin về thương hiệu hàng hóa, sản phẩm.
Ông Phó Đức Sơn mong muốn xây dựng một chuỗi thông tin đồng nhất, minh bạch và hiệu quả - một chuỗi không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Giải pháp truy xuất nguồn gốc cần gắn kết chặt chẽ với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Điều này không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững mà còn mở ra những cơ hội giao thương và hợp tác quốc tế, giúp sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp và chính sách cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tích hợp mã số mã vạch trong các quy trình quản lý chuỗi cung ứng để bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả.
Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp và chính sách đề xuất cần có những giải pháp công nghệ đột phá để liên kết hệ thống mã số mã vạch với các nền tảng số hiện đại, từ đó tạo ra cơ chế theo dõi và báo cáo minh bạch hơn cho chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa từ tháng 10, với sự tham gia của hơn 4.000 doanh nghiệp và một số địa phương.
Các thông tin như tên, hình ảnh sản phẩm, đơn vị, địa chỉ đơn vị sản xuất; các công đoạn, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng sản phẩm; mã truy xuất nguồn gốc; các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế... được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.
Cổng thông tin này sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trong nước và quốc tế; quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Cổng thông tin cũng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.