Định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Hà Nội
Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, Thủ đô nghìn năm văn hiến được ghi danh là “Thành phố sáng tạo” từ năm 2019. Đó là cơ hội, sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội, khẳng định hình ảnh Thủ đô hiện đại, sáng tạo, hội nhập.
Nguồn lực sáng tạo dồi dào
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố có chung mục tiêu coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững, đặt các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào trung tâm của các kế hoạch phát triển cấp địa phương, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm: Thiết kế, văn học, âm nhạc, thủ công và nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.
Sau khi nộp hồ sơ ứng cử vào tháng 7/2019, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á, tháng 10/2019, Hà Nội chính thức được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực “Thiết kế sáng tạo”.
Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà, việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Kế thừa những di sản và tiếp nối mạch nguồn của đô thị sáng tạo Thăng Long ngàn năm tuổi, nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Cụ thể: 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Bảo tàng Hà Nội và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố, đặc biệt có 01 Bảo vật thuộc sở hữu tư nhân - là thành phố đầu tiên của cả nước có tư nhân sở hữu loại hình này.
Thủ đô Hà Nội còn là “đất trăm nghề” khi có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Phát triển nội lực sẵn có
Với những điều kiện và tiềm lực sẵn có, Hà Nội đang dần biến các giá trị từ thành phố sáng tạo trở thành sản phẩm du lịch sáng tạo. Có thể kể đến như: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã tổ chức các triển lãm, trưng bày trực tuyến để thu hút khách, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify; Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sản xuất các clip kể câu chuyện lịch sử về các danh nhân gắn bó với trường Quốc Tử Giám.
Gần đây nhất, sau một thời gian thử nghiệm, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ra mắt tour đêm trải nghiệm di tích, tìm hiểu về đạo học Việt Nam thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ 3D Mapping độc đáo. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).
Hay mang những nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội - mùa được coi là đẹp nhất trong năm của Hà Nội qua Festival Thu Hà Nội. Năm 2024, Festival Thu Hà nội được tổ chức trong với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa Thu lịch sử” là một trong những sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trọng điểm của Thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Đáng chú ý, một trong những sáng kiến của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đó là tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên. Việc tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo các hoạt động nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Cùng với đó là kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo. Điều này cũng nhằm triển khai các nhiệm vụ cụ thể thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, hướng tới xây dựng “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội” trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, thu hút đông đảo các nhà sáng tạo, nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế đến tham gia.
Trong phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội – Thành phố sáng tạo”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc trở thành một thành viên trong mạng lưới thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội. Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.
Việc Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo" của UNESCO cũng mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho Thủ đô. Mới đây, Tập đoàn Rosen Partners LLC (Tập đoàn đầu tư bất động sản có thương hiệu tại Mỹ) đang nghiên cứu đề xuất dự án công viên giải trí quốc tế tại huyện Gia Lâm, quận Long Biên với quy mô 140 ha. Việc đầu tư khu công viên vui chơi giải trí hiện đại, tầm cỡ quốc tế sẽ góp phần hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc khu vực, là điểm đến mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.