Ngành dệt may cần thích ứng nhanh trên “sân chơi” toàn cầu
Doanh nhân Dương Hoàng Y nói ngành dệt may Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn; nhưng vẫn phải kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng, để củng cố vững chắc vị thế với các đối tác, các nhà sản xuất và phân phối lớn trên thế giới.
Xoay chuyển nghịch cảnh thương trường
Dương Hoàng Y sinh năm 1981, quê tỉnh Sóc Trăng, là Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thời trang Hoàng Gia. Anh cho biết, anh xuất thân trong gia đình thuần nông, và là con thứ tư trong gia đình có 7 người con.
Năm 1999, Dương Hoàng Y bắt đầu hành trình lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng tại TP.HCM. Thời điểm đó, anh không chọn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn mà rẽ ngang sang học nghề để có thể tự mưu sinh và trợ giúp kinh tế cho gia đình.
Ban đầu, Hoàng Y thích ngành cơ khí chế tạo, nhưng nhờ cơ duyên sống tại “thủ phủ dệt may” là quận Tân Bình, nên đã chọn học nghề thiết kế thời trang. Sau khi học xong, Hoàng Y đã có công việc lại Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến.
Hơn một năm sau, khi đã cứng cáp về nghề nghiệp, sẵn có “máu kinh doanh” trong người, Hoàng Y dấn thân quyết định dấn thân vào thương trường. Anh mạnh dạn đầu tư toàn bộ vốn liếng có được để mở riêng cho mình một tổ hợp sản xuất may mặc, chuyên gia công hàng xuất khẩu.
Cùng với nhiều đơn hàng, quy mô doanh nghiệp của Hoàng Y không ngừng lớn mạnh. Ban đầu, xưởng sản xuất ban đầu chỉ có khoảng 10 công nhân, sau đó tăng lên gần 300 công nhân. Song song đó, để củng cố lợi thế cạnh tranh và chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, Hoàng Y còn mạnh dạn đầu tư, phát triển thêm một xưởng dệt, nhuộm. Từ đó, vận may đã mỉm cười với Hoàng Y và các cộng sự. Thương hiệu doanh nghiệp của Hoàng Y ngày càng có uy tín với khách hàng tại các thị trường Úc, New Zealand, Trung Đông…
Tuy nhiên, khủng khoảng kinh tế thế giới xảy ra vào năm 2008 đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu bị giảm xuống, làm ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng của công ty. Vì thế, đến năm 2016, Giám đốc Dương Hoàng Y đã nỗ lực xoay chuyển nghịch cảnh thương trường, quyết định quay lại sản xuất, cung ứng cho thị trường nội địa. Nhờ uy tín cùng năng lực sản xuất sẵn có, ngay lập tức, thành công đã trở lại với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thời trang Hoàng Gia.
Thế nhưng, một lần nữa, sự tàn phá của đại dịch COVID-19, kèm theo khủng hoảng kinh tế, cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài đã khiến cho thị trường thời trang và ngành dệt may trong nước bị suy thoái nặng nề; trong đó có Công ty TNHH XNK thời trang Hoàng Gia. Nhưng với kinh nghiệm thương trường hơn 20 năm qua, Giám đốc Dương Hoàng Y vẫn tin rằng ngành dệt may sẽ sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại.
Cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu
Dương Hoàng Y chia sẻ, anh tin rằng chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt chính là sự cam kết, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, mở ra cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, theo anh, ngành dệt may cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, của công nghiệp thời trang; kiên trì đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ; giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch; tăng đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp thời trang.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng, đa dạng hóa mặt hàng; tăng kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng. Cùng với đó, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu…
Trong câu chuyện của mình, Dương Hoàng Y nói nhiều về niềm tin vào các chính sách trợ lực của Chính phủ, của Nhà nước. “Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Quá trình “xanh hóa” trong sản xuất dệt may có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Đây đã không còn là câu chuyện định hướng tương lai mà ngay trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức, chuyển mình để phù hợp với xu hướng mới”, anh nói.
Do đó, anh cho rằng, ngành dệt may cần hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo.
Như vậy, để ngành dệt may Việt Nam nhanh chóng trở lại “đường đua” xuất khẩu thì việc chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường là điều tất yếu. Bên cạnh đó, việc nâng cao công tác dự báo giá nguyên liệu đầu vào là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi và phát triển của ngành dệt may Việt Nam diễn ra nhanh hơn.
Năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hi vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng phải đối mặt những thách thức mới bắt buộc phải vượt qua, nếu không muốn “dừng cuộc chơi”.
Trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thời trang Hoàng Gia, Giám đốc Dương Hoàng Y vui mừng cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của một số đối tác truyền thống cũng đang đổ về công ty. Vì thế, công ty vẫn tích cực tuyển dụng thêm lao động, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.