Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ giải pháp quản lý thị trường vàng
Trước bối cảnh giá vàng liên tục biến động theo xu hướng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ giải pháp căn cơ hơn trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết thúc phiên 23/10, giá vàng nhẫn tròn trơn đạt kỷ lục mới khi được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 87-88,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chỉ trong 3 ngày, giá mặt hàng này đã tăng 3,2 triệu đồng ở chiều bán ra và tăng 3 triệu đồng ở chiều thu mua.
Còn so với đầu tháng 10, các "nhà vàng" đã tăng giá thêm 9,3 triệu đồng ở chiều bán ra, tương đương mức sinh lời gần 12%. Trong khi đó, tháng 10/2023, giá vàng nhẫn vẫn còn được niêm yết quanh mốc 57,9-58,9 triệu đồng. Như vậy chỉ sau một năm, giá mặt hàng này đã tăng 29,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và tăng 29,1 triệu đồng ở chiều mua vào, tương đương mức sinh lời 50%.
Có thể thấy, giá vàng nhẫn liên tục tăng cao và có xu hướng điều chỉnh nhanh theo biến động của thị trường thế giới, trong khi vàng miếng SJC nương theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Giữa bối cảnh giá vàng liên tục biến động, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp thị trường và thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp này chỉ mang tính tạm thời. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình Chính phủ các giải pháp căn cơ hơn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương; yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật…
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường.
Để bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường và phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.
"Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp. Giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định trở lại đã góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.