Cần xác lập cấp đô thị lớn và siêu đô thị
Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Bổ sung định nghĩa “khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị”
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào "quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị. Dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối".
Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong dự thảo Luật này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị; đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị tại Điều 6, Điều 7 và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này tại Điều 20, Điều 21.
"Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị, và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp"- đại biểu Thuỷ phân tích.
Cần xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị ban soạn thảo đưa thêm khái niệm "siêu đô thị" trong dự thảo luật.
Cùng quan điểm, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ, đề nghị đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, cần làm rõ cụm từ “đô thị lớn”, đồng thời xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị.
Cùng với đó, đề nghị làm rõ các khái niệm "khu chuyển đổi chức năng", "khu hạn chế phát triển", "khu phát triển mới", "khu dự trữ phát triển" và hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và biện pháp quản lý.
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu với Chính phủ về công tác lập quy hoạch, vì nội dung chính của dự thảo luật này gắn liền với quy hoạch đất đai. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cần có quy định mở trong các cấp độ quy hoạch
Nêu những vướng mắc thực tế tại thành phố Hà Nội liên quan đến quy hoạch tỷ lệ phân khu 1/2000 và 1/5000, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, "chỉ nên có một loại quy hoạch phân khu ở tỉ lệ 1/2.000". Đồng thời khi tỷ lệ phân khu 1/5000 đã được thực thi ổn định ở thành phố Hà Nội, "chúng ta nên quy định về điều khoản trực tiếp để phù hợp với Luật Đất đai và Luật Nhà ở".
Về mâu thuẫn chồng chéo giữa các cấp độ quy hoạch, đại biểu cho rằng, luật chỉ cần quy định theo hướng, nếu vướng mắc ở cấp độ cao hơn thì báo cáo cấp thẩm quyền ở cấp cao hơn và làm quy trình điều chỉnh ở cấp dưới tại kỳ điều chỉnh quy hoạch.
Về cấp độ quy hoạch, đại biểu cho rằng cần tính toán đến những vấn đề phát sinh mới, ví dụ như quy hoạch dọc sông, quy hoạch đại đô thị vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Thủ đô Hà Nội... cần có điều khoản mở, Chính phủ yêu cầu các đơn vị thực hiện.
Về thời hạn quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh, thời hạn quy hoạch không phải là thời hạn hiệu lực của quản lý quy hoạch. Theo đại biểu, nguyên là Giám đốc sở Quy hoạch- Kiến trúc TP Hà Nội, nên hiểu là thời hạn lập quy hoạch đến thời kỳ 5 năm, 10 năm 20 năm "là đến thời kỳ phải điều chỉnh lại, có nội dung gì cần điều chỉnh, khi đó sẽ có hiệu lực mới".