Đề nghị Văn phòng công chứng được tổ chức hoạt động như doanh nghiệp tư nhân
"Đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân".
Đây là phương án được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình lựa chọn trong phiên Quốc hội đã thảo luận về những ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) chiều 25/10.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là mô hình tổ chức văn phòng công chứng. Theo đó, dự thảo Luật hiện đang có hai phương án.
Phương án 1: Đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.
Thành lập văn phòng công chứng tư nhân tại khu vực kinh tế - xã hội khó khăn
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) bày tỏ sự đồng tình với phương án 1 và đề nghị việc đặt tên của văn phòng công chứng (VPCC) nên do các công chứng viên (CCV) của văn phòng, được tổ chức dưới hình thức công ty hợp danh, thống nhất lựa chọn. Trưởng VPCC được thành lập theo hình thức doanh nghiệp tư nhân cũng có quyền lựa chọn tên văn phòng.
Theo đại biểu, quy định yêu cầu VPCC phải có từ 02 CCV hợp danh trở lên đã gây ra những bất cập, hạn chế, như báo cáo thẩm tra và nhiều ý kiến của ĐBQH đã chỉ ra. Ngoài ra, quy định hiện hành yêu cầu tên VPCC phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo tên của Trưởng văn phòng hoặc một CCV hợp danh khác đã gây ra khó khăn trong quản lý. Khi CCV rời khỏi văn phòng, VPCC phải đổi tên, gây xáo trộn và thiếu ổn định trong hoạt động.
Bên cạnh đó, để tránh trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên các tổ chức hành nghề công chứng khác trên toàn quốc, việc xét duyệt tên VPCC chỉ khả thi khi có cơ sở dữ liệu toàn quốc về tổ chức hành nghề công chứng. Hiện cả nước có 1.317 VPCC, nhiều văn phòng đặt tên theo tên của CCV, nhưng cơ sở dữ liệu về công chứng chưa hoàn thiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về vấn đề này trong điều khoản chuyển tiếp.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc quy định theo phương án 1 sẽ mở rộng sự lựa chọn cho công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển Văn phòng công chứng ở những địa bàn vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để thuận tiện, thống nhất trong áp dụng, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét để quy định rõ về tiêu chí, nguyên tắc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, dịch vụ chưa phát triển.
Tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công chứng
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đã nêu ý kiến về quy định liên quan đến địa điểm công chứng, cho rằng việc có quy trình và thủ tục chặt chẽ không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Ông đặt câu hỏi: “Tại sao không thể thực hiện công chứng hợp đồng tại địa điểm có bất động sản giao dịch, đặc biệt là khi cần xác minh, hoặc tại trụ sở/chi nhánh của ngân hàng khi công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, hoặc hợp đồng mua bán bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng?” Ông nhấn mạnh rằng việc tra cứu thông tin từ cơ sở dữ liệu công chứng cũng không nhất thiết phải diễn ra tại trụ sở của tổ chức hành nghề.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng dù công chứng diễn ra ở đâu, dự thảo Luật đã yêu cầu việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng.
Từ lập luận này, ông đề nghị bỏ quy định cấm công chứng ngoài trụ sở. Theo ông, việc cho phép công chứng ngoài trụ sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng. Đồng thời, việc này cũng sẽ giúp cung cấp dịch vụ công chứng đến những khu vực chưa có tổ chức hành nghề, từ đó người dân ở các địa bàn này sẽ dễ dàng tiếp cận dịch vụ khi có nhu cầu.
Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng đề xuất nhiều nội dung cụ thể như: Cân nhắc quy định tuổi bổ nhiệm CCV và tuổi hành nghề công chứng nên chênh lệch nhau ít nhất là 5 tuổi; Quy định đầy đủ, cụ thể hơn việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng để đảm bảo phù hợp; Đề nghị không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh;…