Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ
Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền tác giả nói riêng.
Nhân dịp 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (26/10/2004 – 26/10/2024) đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nhận thức và thực thi các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung, mới đây, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ Bản quyền và Tri thức tại Việt.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch VCCA, nhận định: “Kỷ nguyên số và mạng internet mang đến nhiều cơ hội tiếp cận tại bất cứ nơi nào và vào thời gian nào tới các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng. Việc bảo vệ bản quyền, đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo bà Lâm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sáng tạo và Bản quyền Việt Nam cho biết, các nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi cách chúng ta tiếp cận và tiêu thụ nội dung, cho phép các tác phẩm nghệ thuật số hóa dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu, từ đó mở rộng xuất khẩu văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế số. Việc chuyển đổi số giúp các nhà sáng tạo giảm chi phí và tăng độ nhận diện, nhưng cũng đồng thời tạo ra thách thức lớn về bảo vệ bản quyền trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết thêm: “Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nội dung số, dẫn tới tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra, có nơi, có lúc nghiêm trọng nhất là khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư sáng tạo và đang là thách thức đối với hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của nước ta.
Vì vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền tác giả (quyền tác giả và quyền liên quan) nói riêng đã và đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia", ông Bùi Nguyên Hùng chia sẻ.
Đề cập đến thực trạng hiện nay, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa cao. Các thành phần sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của công nghệ, đặc biệt trên môi trường số dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, chưa có bộ phận chuyên trách về bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đến các tài sản trí tuệ tại các cơ quan quản lý ở địa phương. Việc xử lý các vụ việc xâm phạm còn chậm, chưa rõ ràng…
Do đó, theo ông Tuấn thời gian tới cần tập trung vào các nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; thu hút và hỗ trợ đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ…
Bên cạnh đó, đại diện VCCA cho biết, với sự quan tâm hỗ trợ, kiến tạo của các cơ quan quản lý liên quan thuộc Chính phủ, VCCA cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp và các tác giả trong việc thúc đẩy sáng tạo và bảo vệ bản quyền; góp phần xây dựng môi trường sáng tạo lành mạnh, nơi sáng tạo được tôn vinh, bản quyền được tôn trọng, và các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước.