Đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế
Hải Phòng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế vào năm 2030.
Là đô thị cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng với 5 loại hình vận tải, bao gồm đường biển, đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy nội địa.
Thế mạnh này giúp thành phố dễ dàng kết nối với các tỉnh thành trong nước cũng như quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành dịch vụ logistics.
Những năm qua, chính quyền thành phố đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng. Hệ thống cảng biển nước sâu không ngừng được mở rộng với 8 bến tại Lạch Huyện đã và đang xây dựng.
Bên cạnh đó, thành phố còn sở hữu 14 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài 265km, 17 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài 191 km cùng 16 cảng thủy nội địa.
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cũng được quy hoạch nâng công suất lên 13 triệu lượt khách và 250.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, thành phố xác định logistics là ngành dịch vụ trọng điểm trong cơ cấu kinh tế, đóng vai trò kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Hải Phòng luôn nhất quán chủ trương phát triển dịch vụ logistics thành ngành tạo giá trị gia tăng cao, gắn với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và phát triển hạ tầng giao thông", ông Tùng nhấn mạnh.
Hiện nay, thành phố có 4 trung tâm logistics, trong đó 2 trung tâm đã đi vào hoạt động là Trung tâm Logistics Green và Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics.
Khoảng 250 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ logistics với hơn 170.000 lao động, cùng 60 kho bãi chính có tổng diện tích khoảng 701 ha. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX đã chọn Hải Phòng làm điểm đến đầu tư.
Với tầm nhìn đến năm 2030, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại kết nối 5 hệ thống giao thông.
Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics 30-35%/năm, đóng góp 25-30% vào GDP địa phương. Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch sẽ đảm nhận 60-70% tổng lượng hàng hóa, trong khi các trung tâm hiện có sẽ xử lý 30-40% còn lại.