Sự kiện bình luận

Đề xuất loạt chính sách "cởi trói” cho các dự án PPP

Vũ Đậu 31/10/2024 11:22

Trong lĩnh vực và hình thức hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP, Dự Luật đưa ra một số quy định nhằm khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công.

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật này.

Trong đó, đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đưa ra một loạt đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án PPP, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư.

ppp.jpg
Ảnh minh họa.

Dự thảo luật đã xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và không quy định mức vốn tối thiểu đối với các dự án này nhằm khuyến khích thực hiện dự án PPP trong tất cả các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và điều kiện thu hút đầu tư cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương.

Theo Luật PPP hiện hành, chỉ 5 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP. Vốn tối thiểu để thực hiện dự án trong các lĩnh vực này là 100 tỷ đồng đối với dự án y tế, giáo dục - đào tạo và 200 tỷ đồng đối với các dự án còn lại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các quy định trên thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương có điều kiện thực hiện dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, xây dựng chợ... nhưng không được quy định tại Luật. Một số dự án quy mô nhỏ, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư nhưng lại không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu để thực hiện theo phương thức PPP (ví dụ vốn 100 tỷ đồng là quá cao đối với dự án y tế, giáo dục - đào tạo).

Hơn nữa, hiện nay, một số địa phương (như TP.HCM, Đà Nẵng) đã được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện dự án PPP trong các lĩnh vực chưa được quy định tại Luật PPP. Luật Thủ đô, Luật Tài nguyên nước, Luật Di sản văn hóa cũng bổ sung lĩnh vực khác.

Theo cơ quan thẩm tra, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạ mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm như Thành phố Hà Nội, TP.HCM, Thành phố Đà Nẵng, chưa được tổng kết, đánh giá. Do đó, đề nghị bổ sung làm rõ cơ sở thực tiễn đối với đề xuất này.

Về cơ chế tài chính đối với dự án PPP, Dự Luật quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỉ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.

Về quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP, Dự Luật bổ sung thủ tục rút gọn và đơn giản hóa nội dung các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi đối với: (1) dự án nhóm B, nhóm C và không sử dụng vốn nhà nước; (2) dự án O&M (Hợp đồng kinh doanh-quản lý); (3) dự án BT không yêu cầu thanh toán.

Ngoài ra, cho phép thực hiện đồng thời một số thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, cho phép lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đồng thời với quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp dự án PPP sẽ tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công; phân cấp cho hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (thay vì hội đồng thẩm định liên ngành như quy định hiện hành)...

Liên quan đến xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, Dự Luật đề xuất cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Vũ Đậu