Thị trường

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện OCOP cấp quốc gia

Hương Lan 01/11/2024 08:27

Để các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP Việt Nam nâng cao cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu (Vietnam OCOPEX).

z5985471597651_fb59ba062c1f220c4c80512c8939191f_73279.jpg
Khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu. Ảnh Moit

Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang đóng vai trò chủ lực trong việc khẳng định giá trị của các sản phẩm nông thôn, giúp các sản phẩm từ khắp mọi miền Tổ quốc không chỉ đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng, Vietnam OCOPEX là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế thông qua các cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác kinh doanh trực tiếp với các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu nước ngoài.

Vietnam OCOPEX lần đầu tiên tổ chức gồm 230 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP đến từ 38 địa phương trên cả nước trưng bày hơn 460 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao tại 250 gian hàng. Một số sản phẩm OCOP 5 sao được trưng bày gồm miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê bột nguyên chất Bích Thao (Sơn La), chè đinh cao cấp Hoài Trung (Phú Thọ), chè Hảo Đạt (Thái Nguyên)...

Đồng thời, các chủ thể OCOP cũng có dịp trao đổi, tìm hiểu về những yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới và nghiên cứu khả năng mở rộng quy mô xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, với lợi thế và tiềm năng đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hoá đặc trưng…, Việt Nam không chỉ thành công về xuất khẩu nông sản thế mạnh, mà còn là một quốc gia có nhiều bản sắc với các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, mang giá trị văn hóa địa phương, thể hiện rõ nét nhất là hình ảnh các sản phẩm OCOP Việt Nam.

Đó là những sản phẩm thể hiện giá trị, tinh hoa văn hóa Việt Nam qua từng câu chuyện sản phẩm, ở đó thể hiện những khát vọng, hình ảnh của người nông dân gắn với từng miền quê Việt Nam.

z5985604830351_b35f7d8dcc598ae7733c634acee0e77b_54a5b.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan phát biểu tại triển lãm. Ảnh Moit

Sau hơn 6 năm triển khai, Việt Nam đã có hơn 14.000 sản phẩm OCOP từ gần 8.000 chủ thể. Các sản phẩm OCOP ngày càng tiếp cận thị trường tốt hơn, phát huy tiềm năng và lợi thế vùng miền, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đây là thời điểm cần tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ hơn, khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trong từng sản phẩm OCOP, hướng đến thị trường xuất khẩu.”

“Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm, mà còn mua ‘câu chuyện đằng sau sản phẩm’. Vì vậy, câu chuyện càng độc đáo thì giá trị càng khác biệt, dễ dàng quảng bá và tiếp cận thị trường,” Bộ trưởng nói thêm. Ông cũng nhấn mạnh rằng câu chuyện về sản phẩm cần được xây dựng dựa trên giá trị văn hóa, tri thức bản địa và thể hiện qua bao bì, nhãn mác. Đây không chỉ giúp tạo cảm xúc cho người tiêu dùng mà còn tăng niềm tự hào về quê hương. Đây là yếu tố quan trọng và cũng là khát vọng để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý rằng các chủ thể OCOP cần chuẩn bị sẵn sàng hội nhập, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, và năng lực. Đồng thời, cần linh hoạt, sáng tạo trong thiết kế và bao bì để phù hợp với thị trường và đối tượng khách hàng.

Đồng thời, cần thay đổi tư duy, thói quen thương mại, đó là uy tín, là trách nhiệm đối với đối tác và người tiêu dùng.

Hương Lan