Mức ưu đãi thuế 15-17% chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Nhằm hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15% - 17%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, mức giảm này chưa đủ hấp dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang nộp thuế ngang bằng tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Có thể nói, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một lực lượng chủ lực trong nền kinh tế, nên việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển với quy mô lớn hơn, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách Nhà nước.
Nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh, mới đây, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp dụng mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17%, thay vì mức 20% như thuế suất phổ thông hiện hành. Tuy nhiên nhiều ý kiến đánh giá mức giảm này chưa đủ hấp dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) chia sẻ, “Từ 2013, doanh nghiệp nhỏ được hưởng thuế suất thuế TNDN 20%, thay vì mức thuế suất phổ thông 22%. Nhưng kể từ 2016, mức thuế suất phổ thông được giảm xuống còn 20%, tức là doanh nghiệp nhỏ phải nộp thuế ngang bằng các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Dù thuế suất phổ thông của Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực, nhưng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ dường như chưa đạt hiệu quả mong muốn.”
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ 2018 quy định áp dụng mức thuế TNDN thấp hơn mức thông thường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, với mức thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không còn được ưu đãi thực sự, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách ưu đãi thuế cho đối tượng này.
Tại Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp trình Quốc hội lần này, đưa ra 2 mức thuế suất ưu đãi: 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm; và 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng/năm (không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty liên kết mà công ty mẹ, công ty liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thuế này).
Ông Thân cho rằng, để thuyết phục, Ban Soạn thảo (Bộ Tài chính) phải có đánh giá cụ thể, nếu áp mức thuế này hay mức thuế khác thì bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng, được hưởng bao nhiêu (trên cơ sở số giảm thu ngân sách nhà nước dự tính hàng năm). Với mỗi mức thuế suất ưu đãi, dự kiến hàng năm tăng thêm bao nhiêu doanh nghiệp mới được thành lập, tạo ra bao nhiêu việc làm... Trên cơ sở đó, Quốc hội mới có cứ liệu để so sánh và quyết định áp mức thuế ưu đãi nào là phù hợp.
Chính sách thuế chưa đủ hấp dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Thân, mức thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% cho doanh nghiệp nhỏ theo đề xuất của Bộ Tài chính chỉ mang tính động viên, chưa thực sự hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực này. Khi so sánh với các nước trong khu vực, mức ưu đãi của Việt Nam vẫn chưa đủ hấp dẫn. Chẳng hạn, Trung Quốc áp dụng mức thuế suất TNDN phổ thông là 25%, trong khi doanh nghiệp nhỏ chỉ phải chịu 20%, giảm 5 điểm phần trăm. Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ chỉ được giảm 3 điểm phần trăm so với thuế suất phổ thông 20%.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện mong mỏi nhận được chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn, vì họ là động lực tạo việc làm và thu nhập, đặc biệt cho lao động phi chính thức và người lao động không có chứng chỉ, góp phần quan trọng vào an sinh xã hội. Do đó, chính sách thuế không chỉ nên dừng ở mức khuyến khích mà cần có các ưu đãi thực chất, bao gồm việc giảm thuế sâu hơn. Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt ra mục tiêu khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng gần 7 năm qua, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Chia sẻ về vấn đề tính ưu đãi thuế dựa vào doanh thu, ông Thân nhấn mạnh: “Theo tôi, thay vì đánh thuế dựa vào doanh thu, nên căn cứ vào thu nhập chịu thuế (doanh thu trừ chi phí hợp lý, hợp lệ). Nhiều nước cũng ưu đãi thuế dựa vào thu nhập chịu thuế, có thể áp một mức thuế suất hoặc áp thuế lũy tiến.”
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, hiện chỉ khoảng 20% có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính nên mở rộng thêm quy mô doanh thu để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nhiệm vụ quan trọng là mức xác định thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ và thế nào là doanh nghiệp nhỏ. Nếu nói doanh nghiệp siêu nhỏ theo mức tổng doanh thu trong 1 năm chỉ dưới 3 tỉ đồng mới được áp dụng mức thuế 15% thì chưa hợp lý, bởi đây là mức quá thấp, điều kiện cực kỳ “khắt khe” nên chỉ rất ít doanh nghiệp đạt được. Vì thế chưa đủ hấp dẫn để mang tính hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.
Tương tự, đối với ngưỡng doanh thu để xác định nhỏ nhằm áp dụng thuế suất 17% cũng phải được xem xét theo hướng nâng cao hơn. Nếu theo quy định như thế này thì doanh nghiệp trên 50 tỉ đồng là hầu như không có giảm gì về thuế. Vì vậy cần tăng quy mô doanh thu của doanh nghiệp lên cao hơn trong quy định để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng như nói chung là doanh nghiệp nhỏ và vừa.