Kinh tế

6 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt thặng dư trên 1 tỷ USD

Hoài An 02/11/2024 12:54

10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông, lâm, thuỷ sản (NLTS) đã vượt 51,7 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt thặng dư thương mại riêng lẻ (của ngành) trên 1 tỷ USD, bao gồm gỗ và các sản phẩm từ gỗ, rau quả, cà phê, gạo, tôm và cá tra.

chau-au-14168.jpg
Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế nhờ thặng dư cao ở các mặt hàng chủ lực. (Ảnh minh hoạ)

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu NLTS trong tháng 10 năm 2024 ước tính đạt hơn 5,9 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành NLTS đã vượt 51,7 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. Thị phần của hai khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%.

So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS Việt Nam 10 tháng năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2% và châu Đại Dương tăng 14,5%.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, mốc kim ngạch xuất khẩu NLTS 55 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn khả quan.

Xét về cán cân thương mại, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 11,75 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng hơn 17% và nhóm nông sản thặng dư 4,67 tỷ USD, tăng 4,2 lần.

Tính đến thời điểm này, đang có 6 mặt hàng đạt thặng dư thương mại riêng lẻ (của ngành) trên 1 tỷ USD, bao gồm gỗ và các sản phẩm từ gỗ, rau quả, cà phê, gạo, tôm và cá tra.

Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước); hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD (tăng 39,6%); cà phê thặng dư 4,33 tỷ USD (tăng 38,5%); gạo thặng dư 3,68 tỷ USD (tăng 13,1%); tôm thặng dư 2,92 tỷ USD (tăng 21,7%) và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD (tăng 8,7%).

Xuất siêu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt hơn 15 tỷ USD (tăng 62% so với cùng kỳ năm trước).

Xét ở cấp độ quốc gia, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam lần lượt chiếm 21,6%, 21,5% và 6,5% thị phần. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Hoa Kỳ tăng gần 26%, sang Trung Quốc tăng hơn 11%, và sang Nhật Bản tăng gần 6%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng nhập khẩu, với tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,53 tỷ USD, tăng 8,5%.

Do nhập khẩu ở mức lớn nên các nhóm hàng như nguyên liệu đầu vào sản xuất và sản phẩm chăn nuôi đều thâm hụt, trong đó đầu vào sản xuất thâm hụt 4,75 tỷ USD (tăng 7%) và sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD (tăng 7,2%).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù nhập khẩu gia tăng, song điều này phản ánh nhu cầu nguyên liệu và sản phẩm đầu vào cho sản xuất trong nước vẫn còn lớn, cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản”.

Hoài An