Góc nhìn

Thu hút FDI và xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng trong năm 2025

Hương Lan 03/11/2024 19:36

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.

dsc00452-1-.jpg
TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế, CIEM. Ảnh CIEM

Trình bày chủ đề “Khái quát tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo triển vọng năm 2025”, TS. Nguyễn Hữu Thọ cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ, dự kiến từ 6,8 - 7%.

Tăng trưởng kinh tế đang có đà từ các trụ cột thu hút FDI, thương mại và tiêu dùng nội địa, trong đó, thu hút FDI vẫn đang khả quan.

Đánh giá về thu hút FDI, ông Thọ cho biết, dòng chảy FDI đổ về ASEAN, châu Á vẫn là điểm sáng. 9 tháng năm 2024, FDI vào Việt Nam tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 31/9, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, bên cạnh những kết quả đạt được như: lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19, tăng trưởng 6,1% cao nhất trong khu vực ASEAN, khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại còn chậm, các “đầu tàu” kinh tế đang có xu hướng chậm lại.

111.jpeg
Xuất khẩu điện tử mang về doanh thu lớn nhất cho Việt Nam. Ảnh minh họa

Về dự báo xu hướng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Thọ cho rằng, sản xuất, kinh doanh khởi sắc; vốn khu vực nhà nước tiếp tục là điểm tựa; vốn khu vực FDI năm 2025 sẽ tiếp tục là điểm sáng; sức mua của người Việt Nam; thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và các hiệp định thương mại. Do đó, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.

Theo đó, để tiếp tục đà tăng trưởng của 2024, theo ông Thọ , cần tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, cải cách các thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường. Tăng cường huy động vốn tư nhân, giảm lãng phí khu vực công và khu vực tư. Tiếp tục phát triển hạ tầng để tăng kết nối vùng, liên vùng. Đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ cho phát triển, tập trung vào hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, bên cạnh tận dụng thời cơ tăng trưởng đến từ thu hút FDI và thương mại, cải thiện thể chế là yếu tố cốt lõi giúp nền kinh tế phát triển trong năm 2025, xóa bỏ bớt các rào cản làm hạn chế động lực tăng trưởng. Cùng đó phải đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả từ các dự án đầu tư công, từ đó dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Để bức tranh kinh tế năm 2025 sáng hơn, bà Minh cho rằng, cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp tại vùng khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại thị trường, ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực tạo ra hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.

Hương Lan