Doanh nghiệp tìm cách tối ưu sản xuất, thích ứng giá điện tăng
Để ứng phó với đà tăng của giá điện, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng, đưa ra các giải pháp ở nhiều công đoạn sản xuất nhằm giảm tối đa chi phí năng lượng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ ngày 11/10, nâng tổng mức tăng giá điện trong gần 2 năm qua lên trên 12%.
Lý giải về việc tăng giá bán lẻ điện, đại diện EVN cho biết, do thực tiễn, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ…,
Về tác động đến các hộ tiêu dùng điện, theo đại diện EVN việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến hộ nghèo bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện được thực hiện theo Quyết định số 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên việc tăng giá điện ít nhiều tác động đến chi phí đầu vào của một số ngành sản xuất. Chi phí điện chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất một số ngành, chẳng hạn với thép là 9-10%, xi măng 14-15%, hóa chất 9%..., ngay lập tức sẽ đẩy tăng chi phí hàng tháng của doanh nghiệp.
Tăng giá điện buộc mọi đơn vị sản xuất đều phải tính toán lại quy trình, đẩy mạnh tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả, cắt giảm tối đa chi phí đầu vào.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, mỗi năm, ngành xi măng tiêu thụ khoảng 9,5 tỷ kWh điện. “Chúng tôi đồng ý là giá điện tăng theo giá thị trường, nhưng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp điện ổn định, thông suốt cho các nhà máy xi măng, bởi nếu phải dừng lò, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Lương Đức Long, Tổng thư ký VNCA kiến nghị.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) tính toán, với ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo theo giá thành, giá bán cũng ảnh hưởng theo.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên, việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục.
Do vậy, giá điện tăng ảnh hưởng khá nhiều đến ngành dệt may. Để thích ứng với việc tăng giá điện, các doanh nghiệp may mặc đã đặt ra các giải pháp như sử dụng điện mặt trời (điện áp mái). Một số doanh nghiệp như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm chi phí điện.
Theo Tổng cục Thống kê, giá điện cứ tăng 10% sẽ tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,33%.
Giá điện của năm 2025 dự kiến còn tăng nữa. Việc tăng giá là tất yếu, bởi ngành điện đang bị thua lỗ do giá bán điện chưa bù đắp được chi phí sản xuất.
Khi giá điện tăng, các doanh nghiệp thuộc mọi ngành sản xuất phải tiếp tục cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu hóa dây chuyền để tiết kiệm, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo để giảm phần nào phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.