Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Campuchia tăng mạnh
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 3,61 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia, tăng tới 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu mặt hàng đậu tương từ thị trường Campuchia tăng 799,4%.
Đậu tương là nguyên liệu đầu vào rất khó thay thế trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi - một trong những ngành sản xuất thiết yếu tại Việt Nam. Các chuyên gia dự báo nhập khẩu đậu tương của Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn từ 3-5% mỗi năm.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Campuchia đạt 7,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.... Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Campuchia bao gồm các mặt hàng quan trọng như dệt may, sắt thép các loại, xăng dầu các loại, nông sản các loại.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, sản phẩm từ cao su ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, đạt 102,58% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cà phê tăng 71,21% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu kim loại thường khác và sản phẩm tăng 56,51%; xuất khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 55,44%; xuất khẩu rau quả tăng 51,55% so với cùng kỳ năm trước;…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 3,61 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia, tăng tới 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu một số mặt hàng từ thị trường Capuchia tăng mạnh, trong đó, mặt hàng đậu tương tăng 799,4%; mặt hàng nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 222,5%; mặt hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 103,06%; quặng và khoáng sản khác tăng 72,79%;…
Riêng với mặt hàng đậu tương, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương tháng 10 năm 2024 ước đạt 260 nghìn tấn và 127,7 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 đạt 1,85 triệu tấn và 953 triệu USD, tăng 15,1% về khối lượng nhưng giảm 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá đậu tương nhập khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2024 đạt 514,4 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường nhập khẩu, Brazil, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 với tổng thị phần là 97,3%. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu đậu tương của Việt Nam từ 3 thị trường này đều giảm với mức giảm lần lượt là 1,6%, 22,5% và 3,1%. Như vậy, trong số 3 nhà cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam không có thị trường Campuchia.
Nhận định chung trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch. Với mức giá hiện tại và giá thịt heo hơi xuất chuồng tăng, người chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín đều đã có lãi.