Temu "càn quét" thị trường thế giới nhưng tài sản của ông chủ lại liên tục giảm mạnh
Colin Huang - ông chủ của nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới Temu đã tiếp tục tụt hạng trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, cho dù Temu đang "càn quét" thị trường thế giới.
Theo danh sách tỷ phú được Viện nghiên cứu Hurun công bố ngày 29/10, Colin Huang - nhà sáng lập PDD Holdings, công ty mẹ của Temu tiếp tục tụt thêm 1 bậc, xuống vị trí thứ 4, với tài sản đạt 34,5 tỷ USD.
Còn theo Forbes, tính tới 1/11, Colin Huang có tổng tài sản là 36,2 tỷ USD, tụt xuống vị trí thứ 3 sau tỷ phú Zhong Shanshan (60,1 tỷ USD) và Zhang Yiming (43,4 tỷ USD).
Trước đó vào đầu tháng 8 năm nay, Colin Huang là người giàu nhất Trung Quốc. Với khối tài sản trị giá 49,3 tỷ USD. Tỷ phú Colin Huang đã soán ngôi người giàu nhất Trung Quốc từ "ông vua nước đóng chai" Zhong Shanshan - người giữ vị trí giàu nhất Trung Quốc kể từ tháng 4/2021. Nhưng theo Forbes ước tính, ngay trong tháng 8 tài sản của ông đã "bốc hơi" gần 15 tỷ USD.
PDD được Colin Huang thành lập năm 2015, nổi tiếng với việc bán các sản phẩm giá rẻ cùng nhiều chương trình khuyến mãi lớn.
Vào đầu năm 2021, tài sản ròng của Colin Huang đã từng đạt mức 71,5 tỷ USD nhưng cũng sụt giảm nhanh chóng sau đó khi cổ phiếu PDD mất gần 90%. Tuy nhiên, PDD Holdings của Colin Huang đã bứt phá trở lại với chiến lược tấn công thị trường nước ngoài dưới thương hiệu Temu.
Vào tháng 9/2022, nền tảng thương mại điện tử Temu chuyên bán hàng giá rẻ chính thức ra mắt tại Mỹ và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Để kích cầu mua sắm, Temu sử dụng chiến lược "giao siêu nhanh, hàng siêu rẻ" thông qua mô hình B2C (giao hàng từ xưởng đến tận tay người dùng). Điều này giúp Temu loại bỏ các khâu trung gian nhằm giảm chi phí và vượt trội về tốc độ giao hàng.
Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này cũng xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ cuối tháng 9 vừa qua, tuy nhiên chưa đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý. Temu đã tiến hành quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người dùng Việt nhờ mức giá siêu rẻ cùng chính sách tiếp thị liên kết (affiliate) với hoa hồng "không tưởng" lên đến 30%.
Song "cơn sốt" Temu ở nhiều quốc gia trên thế giới và ứng dụng bán lẻ Pinduoduo tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc cũng chưa đủ giúp tài sản của tỷ phú Colin Huang thoát đà suy giảm.
Nguyên nhân được chỉ ra là do gần đây các tập đoàn lớn khác của Trung Quốc như Alibaba và ByteDance (công ty mẹ của TikTok) đã đẩy mạnh mảng hàng hóa giá thấp, làm tăng đáng kể mức độ cạnh tranh, khiến tình hình kinh doanh của Pinduoduo dần khó khăn hơn và giá cổ phiếu khó quay lại đỉnh cũ.
Còn trên thị trường quốc tế, Temu cũng gặp nhiều thách thức khi đối mặt với chính sách thương mại khắt khe từ các cơ quan quản lý tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) do lo ngại tạo ra cuộc chiến không công bằng với các nhà bán hàng nội địa.
Temu đã bị cáo buộc lợi dụng lỗ hổng thương mại để đưa hàng hóa miễn thuế trị giá hàng tỷ USD vào các nước thông qua các kiện hàng nhỏ trực tiếp từ Trung Quốc.