Điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn: Hai trường hợp phải xin chủ trương điều chỉnh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gửi đến Quốc hội.
Đối với dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, trong phiên thảo luận tổ trước đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn và vấn đề phân cấp, phân quyền.
Đây cũng là vấn đề mới nhất của dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, gỡ vào những điểm nghẽn lớn nhất trong thực tế hiện nay.
Về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, một số ý kiến đại biểu trước đó đề nghị cần quy định rõ hơn, bổ sung các tiêu chí để kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn, đảm bảo minh bạch, không phá vỡ quy hoạch chung…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật đã quy định rõ nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn tại khoản 1, Điều 54a. Theo đó, việc điều chỉnh không được làm thay đổi quan điểm và mục tiêu quy hoạch, phải đảm bảo sự liên kết, đồng bộ và ổn định giữa các quy hoạch.
Dự thảo cũng xác định bốn trường hợp được phép điều chỉnh theo trình tự rút gọn. Trong đó, hai trường hợp phát sinh từ vướng mắc thực tế gồm:
- Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính hoặc các dự án quốc gia quan trọng thay đổi một số nội dung quy hoạch.
- Thực hiện Nghị quyết của các cơ quan này hoặc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, làm thay đổi phân kỳ thực hiện, thông số và thông tin dự án đã quy hoạch.
Hai trường hợp còn lại được kế thừa từ Nghị quyết 61/2022/QH15 gồm:
- Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cấp cao hơn.
- Quy hoạch mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp.
Trong hai trường hợp này, khi điều chỉnh theo thủ tục rút gọn, phải xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh để đảm bảo quy trình chặt chẽ và tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch. Điều này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người có thẩm quyền quyết định quy hoạch nào cần điều chỉnh, dựa trên Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, văn kiện Đảng và các yêu cầu thực tiễn, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi lần này bổ sung loạt quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Theo đó, dự thảo sửa đổi quy định tại Điều 15 Luật Quy hoạch theo hướng phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phân quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia của Quốc hội cho Chính phủ, trong trường hợp điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tăng cường phân quyền cho địa phương thông qua quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn trong các trường hợp cần thiết, cấp bách, cần điều chỉnh ngay để đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó thủ tục cần đơn giản, rút ngắn thời gian. Nếu giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương điều chỉnh của Quốc hội hoặc UBTVQH thì Chính phủ phải trình Quốc hội tại Kỳ họp của Quốc hội hoặc Phiên họp của UBTVQH để xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh với trình tự, thủ tục cần nhiều thời gian, khó có thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách.
Do đó, việc phân quyền cho Chính phủ sẽ giúp rút ngắn thời gian. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh các quy hoạch này vẫn là Quốc hội do đó vẫn bảo đảm thẩm quyền quyết định của Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của quốc gia, phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.