Bất động sản

TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất bảng giá đất cũ cho người mua nhà ở là tài sản công

Trang Nguyễn 12/11/2024 08:51

Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (HMCIC) thuộc Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM áp dụng tính tiền thuế phí theo bảng giá đất cũ cho khoảng 800 người dân đã nộp đơn mua nhà ở cũ thuộc tài sản công trước ngày 31/10/2024 đang chờ xét duyệt.

a1.jpg
Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 79/2024 của UBND TP.HCM, bảng giá đất điều chỉnh mới trên địa bàn thành phố sẽ có hiệu lực thi hành ngày 31/10/2024. Trong đó, quyết định cũng có quy định điều khoản chuyển tiếp với trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành (31/10) thì giá đất để tính nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.

Như vậy, có nghĩa là những hồ sơ đất đai đủ điều kiện của người dân đã được tiếp nhận trước ngày 31/10 sẽ tính tiền sử dụng đất, thuế phí theo bảng giá đất cũ.

Theo quy định, tiền chuyển quyền sử dụng nhà ở cũ thuộc tài sản công với 2 trường hợp trước 5/7/1994, từ ngày 5/7/1994 đến 19/1/2007 được tính bằng 100% giá đất ở theo bảng giá đất của UBND TP.HCM tại thời điểm ký hợp đồng mua bán. Tức là, bảng giá đất điều chỉnh của thành phố sẽ được áp dụng với các trường hợp người dân đã ký hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, theo HMCIC, việc áp bảng giá đất mới với trường hợp người dân đã đăng ký mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhưng chưa được duyệt, sẽ khiến họ bị thiệt thòi. Bởi so với bảng giá đất cũ, các mức giá tăng nhiều lần so với trước, khiến các hộ dân thuộc diện này phải đóng thuế phí tăng gấp 4-7 lần trước.

"Sẽ rất thiệt thòi khi áp bảng giá đất mới cho những người dân đã nộp hồ sơ từ rất lâu, nhưng vì vướng mắc thủ tục mà chưa được giải quyết", lãnh đạo HMCIC đánh giá.

Ngoài ra, theo quyết định về bảng giá đất điều chỉnh của TP HCM, cơ quan Nhà nước tiếp nhận hồ sơ của người dân trước thời điểm bảng giá đất mới có hiệu lực, thì vẫn áp dụng tính nghĩa vụ tài chính theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ.

Do đó, cơ quan này đề nghị UBND TP HCM xem xét, chưa áp dụng bảng giá đất mới với các trường hợp nộp đơn đề nghị mua trước ngày 31/10, để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo thống kê của HMCIC, đến 27/10 thành phố tiếp nhận 841 đơn xin mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước của người dân, tổ chức. Tuy nhiên, mới có 9 trường hợp được mua. Như vậy, còn 832 trường hợp người dân đã đăng ký nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Được biết, TP.HCM hiện có khoảng 10.000 nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê hoặc bỏ trống. Đối với những nhà đất đang cho thuê, TP dự kiến bán hóa giá cho người sử dụng thuộc đối tượng có công hoặc cán bộ Nhà nước. Để mua những căn nhà này, người dân phải nộp hồ sơ mua lại theo quy định pháp luật, tuy nhiên thủ tục hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, dãy nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM) xây dựng từ năm 1978, thuộc quyền sở hữu của Xí nghiệp Chế biến hạt điều Lạc Long Quân. Khu nhà này sau đó được bố trí cho cán bộ công nhân của xí nghiệp thuê. Đến 2016, những hộ dân tại đây làm đơn xin mua lại nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

6 năm sau, TP.HCM có văn bản xác nhận đây là tài sản công và đồng ý xem xét bán cho 17 hộ dân xin mua theo quy định. Song, sau 8 năm nộp hồ sơ các hộ dân tại đây vẫn chưa được duyệt mua nhà.

Bên cạnh nhà ở công, thực tế, sau khi UBND TP. HCM công bố bảng giá đất điều chỉnh với mức tăng 4-38 lần (chưa nhân hệ số K) so với bảng giá cũ, rất đông người dân đến các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12, TP. Thủ Đức... làm thủ tục liên quan nhà đất.

Trang Nguyễn