Bộ trưởng Bộ Y tế đeo khẩu trang thử mua thuốc kê đơn nhưng bị nhà thuốc từ chối bán
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết bà đã đeo khẩu trang ra hiệu thuốc gần nhà mua một loại thuốc kê đơn nhưng bị nhà thuốc từ chối bán.
Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận được 8 câu hỏi của các đại biểu gửi đến, trong đó có vấn đề khắc phục những khó khăn của ngành Y tế như: Thiếu thuốc, vaccine, vấn đề phụ cấp ngành Y tế, năng lực ứng phó với dịch bệnh...
Xử lý nghiêm các trường hợp bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc
Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu, theo quy định, dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn được bán một cách tràn lan?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn dược của cơ sở kinh doanh nói chung và của cơ sở bán lẻ nói riêng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
Thep Bộ trưởng, Luật Dược năm 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Nghị định 117 cũng quy định hành vi người chịu trách nhiệm chuyên môn nếu không có mặt tại cơ sở có thể bị phạt đến 5 triệu đồng, thậm chí rút giấy phép ... Thời gian qua, các Sở Y tế đã tăng cường giám sát hoạt động đối với các cơ sở bán lẻ.
Thời gian qua, các Sở Y tế đã tăng cường công tác giám sát hoạt động đối với các cơ sở bán lẻ. Có thể khẳng định rằng đối với hoạt động này ngày càng chặt chẽ hơn.
"Tôi cũng rất quan tâm đến nội dung này. Cách đây mấy ngày tôi cũng đeo khẩu trang ra hàng thuốc gần nhà mua thuốc thuộc phạm vi thuốc kê đơn là Seduxen (thuốc ngủ). Chị bán hàng nói thuốc này phải có đơn thuốc thì mới bán được", Bộ trưởng nói và cho biết trong thực tiễn có người này người khác nhưng cơ bản hình thức này đã được tăng cường, quản lý.
Bộ Y tế đã triển khai quy định quy chế hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Đây là một hệ thống quản lý thống nhất trên toàn quốc, giúp cho các cơ sở y tế, nhà thuốc kê đơn quản lý đơn thuốc, giám sát bán thuốc theo quy trình minh bạch. Nếu có thông tin sai lệch, các cơ sở không tuân thủ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về dược. Bộ Y tế đang tăng cường cùng với Bộ Công an trong quá trình triển khai Đề án 06 cũng tăng cường kết nối về hệ thống quản lý dược trên toàn quốc.
"Mình có quy định nhưng trong thực tiễn nơi này, nơi đó còn có vi phạm. Khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ba chân kiềng của ngành y tế đều khó khăn
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhận định "cả 3 chân kiềng ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang rất khó khăn". Bà Phạm Khánh Phong Lan hỏi Bộ trưởng về những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn, ví dụ về tình trạng thiếu thuốc triền miên.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ba chân kiềng: Dự phòng - điều trị - cung ứng là 3 mảng công tác lớn của ngành Y tế. Để triển khai, khắc phục, củng cố ngành Y tế sau dịch COVID-19; các lĩnh vực này đều được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo bằng nhiều văn bản. Sau dịch COVID-19, những vướng mắc chưa có quy định, những vấn đề còn lúng túng khi triển khai trong tình huống cấp bách đã được rà soát, đưa vào văn bản pháp luật.
Với lĩnh vực dự phòng, Bộ Y tế đang xây dựng Luật Dự phòng thay thế Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để trình Quốc hội, dự kiến trong năm 2025. Về chữa bệnh, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi 2023 đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế.
Về đảm bảo cung ứng, Luật Dược, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Đấu thầu… thời gian qua đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho các hoạt động triển khai, thực hiện.
Bên cạnh việc hoàn thiện về luật pháp, nhiều chiến lược như Chiến lược chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, chiến lược phát triển ngành Dược, đẩy mạnh công tác dự phòng theo Nghị quyết 99 của Quốc hội và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã đưa ra nhiều giải pháp củng cố và phát triển hệ thống "Ba chân kiềng".
Bộ Y tế đang phối hợp với ngành Y tế các địa phương, chính quyền để chỉ đạo việc triển khai nâng cao năng lực của hệ thống y tế trên tất cả các mặt, để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh, nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh thách thức ngày càng lớn của ngành Y tế thời gian tới.